Triệu chứng của bệnh khảm lá virus gây hại trên cây sắn tại Thanh Hóa
Bệnh khảm lá sắn do virus Sri Lankan Cassava Mosiac Virus gây ra, đây là dịch hại mới, bệnh lây lan qua hom giống và qua môi giới truyền bệnh là đối tượng bọ phấn trắng; hiện chưa có thuốc phòng trừ, bệnh xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa vào năm 2019, gây hại trên các giống sắn HL-S11, KM140 tại các huyện Thường Xuân, Như Xuân, với tổng diện tích nhiễm 26,5 ha. Năm 2020 diện tích bị bệnh tăng lên 1.615,93 ha.
Trong năm 2021 bệnh tiếp tục lây lan gây hại cho các vùng trồng sắn của tỉnh Thanh Hóa, với diện tích bị nhiễm bệnh là 3.799,255 ha, trong đó nhiễm nặng (>70%) là 1.097,809 ha. Phạm vi phân bố gây hại của bệnh rộng, tại 6 huyện (Như Xuân 1.593,06 ha; Thường Xuân 984,3 ha; Như Thanh 176 ha, Ngọc Lặc 180,6 ha, Thọ Xuân 755,295 ha, Triệu Sơn 110 ha); tỷ lệ bệnh phổ biến 10-15%, cao 30%, cục bộ có ruộng lên đến 90% cây bị bệnh.
Bệnh khảm lá sắn gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng sắn, khi cây bị nhiễm bệnh ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu cấu thành năng suất và năng suất, như làm giảm số củ/khóm từ 4,08% -31,9%; làm giảm trọng lượng củ/khóm từ 14,7% - 30%; làm giảm năng suất từ 11,2%-31,8%.
Ảnh hưởng của bệnh KLS đến sinh trưởng, phát triển của cây sắn
Trước tình hình trên Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 28/7/2021 về việc phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tập trung triển khai, tổ chức thực hiện các giải pháp phòng trừ, khống chế bệnh. Kết quả cho thấy tốc độ lây lan, mức độ gây hại của bệnh có giảm song vẫn chưa triệt để; nguyên nhân là do (1) Đây là loại bệnh mới, hiện nay chưa có thuốc phòng trừ, phương thức lây truyền phức tạp; (2) Người dân vẫn chưa ý thức, nhận thức rõ được tác hại của bệnh khảm lá sắn nên tại các bờ ruộng, bờ thửa, ruộng trồng chưa được vệ sinh, tiêu hủy tàn dư cây bị bệnh triệt để, vẫn sử dụng nguồn giống sắn bị nhiễm bệnh để trồng; (3) Công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn của các cơ quan, cấp chính quyền chưa thường xuyên, liên tục; (4) Triển khai các giải pháp trong công tác phòng chống bệnh chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao; (5) Do khu vực trồng sắn chủ yếu là trên vùng cao, địa hình khó khăn, có nhiều cây ký chủ phụ nên công tác phun trừ môi giới truyền bệnh hiệu quả không cao.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh
Trong thời gian tới để triển khai Kế hoạch số 180/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hiệu quả, không phát sinh diện tích bị nhiễm mới, tiến tới khống chế và thanh toán bệnh khảm lá virus hại sắn trên các vùng trồng sắn của tỉnh, thì cần tập trung thực hiện các giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; tăng cường các giải pháp kỹ thuật phòng trừ bọ phấn trắng và xử lý triệt để diện tích sắn bị nhiễm bệnh; xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững, an toàn dịch bệnh gắn với chế biến, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (giống mới, giống kháng bệnh, cơ giới hóa,...) để nhằm bảo vệ và giữ ổn định vùng nguyên liệu sắn 11.000 ha/năm./.