Số lượt truy cập
Hôm nay 12820
Hôm qua 58866
Tuần này 176390
Tháng này 3214216
Tất cả 193009800
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 11/10/2021
Thanh Hóa triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi

Từ đầu năm 2021 đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Để chủ động ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập, tái phát và lây lan trên địa bàn Thanh Hóa, Ngành Nông nghiệp và các địa phương đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

DTLCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm đối với đàn lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, vi rút gây bệnh DTLCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, lây lan nhanh. Từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1.498 hộ của 50 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 93.261 con lợn, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tại 4 tỉnh giáp với Thanh Hóa là Sơn La, Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An bệnh DTLCP hiện đang có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Đây là bệnh dịch chưa có vắc - xin phòng bệnh, thuốc điều trị, nên nguy cơ bệnh dịch xâm nhiễm, tái phát và gây hại trên địa bàn Thanh Hóa là rất cao.

Trạm kiểm dịch động vật và thủy sản thị xã Nghi Sơn (trên Quốc lộ 1A) tăng cường kiểm tra, kiểm soát xe chở lợn đi qua địa bàn Thanh Hóa.

Thanh Hoá hiện có tổng đàn lợn lớn thứ 3 cả nước với khoảng 1,2 triệu con, tập trung chủ yếu ở các huyện chăn nuôi trọng điểm với mật độ cao như: Nông Cống, Yên Định, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Thọ Xuân... Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, chưa bảo đảm điều kiện an toàn sinh học; công tác quản lý tái đàn lợn ở nhiều nơi chưa chặt chẽ.

Trong các năm 2019, 2020 đã xảy ra DTLCP trên diện rộng, mầm bệnh tồn tại nhiều trong môi trường. Tuy nhiên, tại tỉnh Thanh Hoá dịch bệnh đã được khống chế trong thời gian dài nên xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là ở một số hộ dân. Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa bão, lũ, ngập lụt thường xuyên xảy ra là những điều kiện thuận lợi cho bệnh DTLPC xâm nhập. Đồng thời, trong những tháng cuối năm, việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn gia tăng mạnh gây ảnh hưởng đến công tác kiểm soát dịch bệnh; tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn dẫn đến giá lợn giảm mạnh, người chăn nuôi đang thua lỗ nhiều, lợn đến tuổi xuất bán không tiêu thụ được, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ chăn nuôi.

Trước những khó khăn đó, công tác phòng, chống dịch đang đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi Ngành nông nghiệp, các địa phương, hộ chăn nuôi không chủ quan, lơ là; cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà Ngành nông nghiệp đưa ra.

Cán bộ tại Trạm kiểm dịch động vật Thạch Lâm (Thạch Thành) túc trực 24/24h kiểm soát xe chở lợn đi qua địa bàn.

Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Thanh Hóa 10.000 lít hóa chất sát trùng để phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã thành lập đội phản ứng nhanh với thành phần là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn để xử lý, khống chế các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện.

Các địa phương cần tổ chức tổng vệ sinh, thực hiện phun thuốc diệt côn trùng, diệt chuột ngăn chặn vật chủ trung gian lây lan dịch bệnh.

Thời gian tới, để chủ động ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập, tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh, Ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhất là qua hệ thống truyền thanh về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi nắm vững; khi có lợn ốm, chết cần chủ động khai báo dịch, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Quản lý chặt chẽ công tác tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn, không cho tái đàn, tăng đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Để kiểm soát việc tái đàn lợn theo hướng an toàn, bảo đảm hiệu quả, các địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp tái đàn không khai báo, không bảo đảm điều kiện an toàn. Đồng thời, kiên quyết không thực hiện hỗ trợ kinh phí khi có lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh đối với những trường hợp vi phạm quy định.

Các địa phương cần nhanh chóng tổ chức rà soát, thống kê, nắm rõ số lượng các hộ chăn nuôi lợn, số lượng đàn; phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi bệnh DTLCP khi mới xuất hiện, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Khi xuất hiện lợn ốm, chết phải lập bản cam kết với hộ chăn nuôi không bán chạy, không vứt xác lợn ra môi trường và thực hiện tiêu hủy lợn khẩn trương đúng quy trình trong thời gian ngắn; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, báo cáo chậm, giấu dịch bệnh. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi có lợn đến tuổi xuất cần xuất bán ngay, không nuôi thêm chờ tăng giá để giảm áp lực dịch bệnh và thiệt hại kinh tế.

Hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh

Các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 25-10 đến 25-11-2021, thực hiện phun thuốc diệt côn trùng, diệt chuột ngăn chặn vật chủ trung gian lây lan dịch bệnh; nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, nhất là đối với việc vận chuyển lợn giống; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển, tập kết, thu gom lợn không đúng quy định. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, kiên quyết xóa bỏ các điểm dừng, tắm, rửa các xe vận chuyển lợn không được cấp phép trên các tuyến giao thông. Bố trí đầy đủ lực lượng thú y các cấp đáp ứng yêu cầu ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Ngoài ra, Ngành Nông nghiệp đã và đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS; áp dụng hình thực trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh động vật, đánh giá các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật…

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 19576


Các tin khác:
 Thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2021 (04/10/2021)
 Tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập, tái phát trên địa bàn Thanh Hóa (28/09/2021)
 Phát triển mô hình nuôi vịt biển an toàn sinh học (27/09/2021)
 Tăng cường kiểm dịch động vật (25/09/2021)
 Toàn tỉnh có 42 hộ nuôi chim yến (20/09/2021)
 Tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm (17/09/2021)
 Chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong tình hình dịch bệnh (14/09/2021)
 Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ (15/08/2021)
 Thanh Hoá công bố hết dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò (10/08/2021)
 Khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò (01/07/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang