Số lượt truy cập
Hôm nay 22931
Hôm qua 39190
Tuần này 127635
Tháng này 3165461
Tất cả 192961045
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 15/04/2021
Sức bật từ vùng chiêm trũng

Những ngày đầu tháng 4, khi những tia nắng đầu mùa trong veo bắt đầu trải khắp làng quê, chúng tôi tìm về vùng chiêm trũng xã Nga Tân (Nga Sơn). Nơi đây, không chỉ nổi tiếng là vùng cói truyền thống của huyện mà còn là vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) rộng lớn với những mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Vùng đất xã Nga Tân được phù sa sông Đáy và sông Lèn hội tụ, bồi lắng qua năm tháng mà thành. Là xã ven biển mới được thành lập năm 1965, địa phận của xã nằm trong 3 con đê lấn biển chạy dài trên 3km từ đầu đến cuối xã và chia xã thành 3 vùng: Vùng dân cư và trồng cói (từ đê Ngự Hàm 1 đến đê Ngự Hàm 2); vùng chuyên canh trồng cói (từ đê Ngự Hàm 2 đến đê Ngự Hàm 3) và vùng ngoài đê Ngự Hàm 3 là vùng triều NTTS. Môi trường có vùng nước mặn, nước lợ nên rất thuận lợi cho phát triển diện tích trồng cói và NTTS. Những cái tên địa danh như Đê 1, Đê 2, Đê 3 (cách gọi tắt của đê Ngự Hàm) hay Cánh đồng 700, Cánh đồng 1.000 đã đi vào đời sống thường nhật của người dân nơi đây khi nhắc đến những vùng chuyên trồng cói và NTTS. 

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Phạm Văn Lâm, xã Nga Tân (Nga Sơn).

Toàn xã có trên 1.500 ha đất tự nhiên, trong đó diện tích NTTS được chia làm 2 vùng chính: Vùng bãi bồi ngoại đê (150 ha) và vùng trong đê, trước đây là trồng cói nhưng do kém hiệu quả nên từ năm 2012 được chuyển sang NTTS với diện tích khoảng 100 ha. Trên những vùng NTTS ấy, những ao nuôi tôm thẻ chân trắng vuông vức hoặc tròn trĩnh với hệ thống mái che bao quanh đã biến vùng đồng trũng từng đơn điệu trở thành vùng kinh tế sôi động.

Bên diện tích NTTS hơn 1 ha chia thành ô thửa lớn nhỏ khác nhau của gia đình, ông Phạm Văn Lâm, thôn 5, một trong những người đầu tiên của xã Nga Tân chuyển từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao vui vẻ cho biết: Khoảng hơn 10 năm trước, ông bỏ tiền để mua lại diện tích hơn 1 ha đất cơ bản trước đây là đất trồng cói của các hộ dân để chuyển sang NTTS. Từ năm 2020 ông đã quyết định đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong bể nổi có mái che. Hiện tại, khu NTTS của ông có 3 bể nổi có mái che với diện tích 160m2/bể, có thể nuôi 3 vụ/năm, 1 ao nuôi nổi hơn 600m2 và 2 ao đất nuôi ngoài trời...

Ông Lâm cho biết, 3 vụ đầu tiên ông thu được khoảng 9 tấn tôm thịt, thu được khoảng 1,5 tỷ đồng, trừ khoảng hơn 50% chi phí các loại, thu lãi khá cao. Năm nay, ông mới thả 25 vạn tôm giống ở vụ mới, thả thêm vụ xuân hè ở các ao nuôi ngoài trời. Hy vọng vụ tôm mới này sẽ thuận lợi, giúp ông thu hồi số tiền đã đầu tư ban đầu...

Với diện tích gần 2.000m2, năm 2019, gia đình ông Phạm Văn Hiếu, thôn 4, đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng 6 bể nổi có mái che với diện tích 300m2/bể để nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. Các bể được thiết kế hình tròn, khung sắt lót bạt HDPE xung quanh và hệ thống cung cấp oxi bao quanh cùng các thiết bị cần thiết. Với hình thức nuôi này, rất thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường trong bể nuôi, các chỉ tiêu môi trường luôn duy trì ổn định. Sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi phát triển tốt. Qua những vụ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao đã mang lại năng suất lớn, cho lợi nhuận cao. Được biết, để duy trì hoạt động của khu NTTS này, ngoài công lao động của gia đình, ông Hiếu phải thuê thêm 1 kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành thủy sản với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng và 4 công nhân lao động với thu nhập ổn định khoảng 9 triệu đồng/tháng.

Tôm thẻ chân trắng là con nuôi dần khẳng định ưu thế, tạo nên bức tranh NTTS đầy khởi sắc. Hiện nay, xã Nga Tân có 6 mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 10 ha. Mặc dù mới chính thức hoạt động được vài năm trở lại đây nhưng các mô hình này đã hình thành một phương thức sản xuất mới, mang tính hiện đại, nâng cao hiệu quả NTTS trên địa bàn, tạo sức bật trong phát triển kinh tế của địa phương. Một số mô hình do người dân địa phương đầu tư, một số là của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh tìm đến mua đất, đầu tư với quy mô lớn, có hộ đầu tư quy mô lớn trên 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đằng sau những mô hình lớn đó là không ít âu lo, trăn trở, là mồ hôi, nước mắt và không ít nỗi niềm của người dân vùng đất quai đê lấn biển này để giải được bài toán nguồn vốn đầu tư lớn và biết kết hợp nhiều kiến thức khoa học - kỹ thuật để xây dựng mô hình thành công. Trong bài toán ấy, cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ, khuyến khích những người nông dân dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm thay đổi để có sự đột phá lớn trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga Tân, đánh giá: Nghề NTTS đóng góp khoảng 20% tỷ trọng kinh tế của địa phương, nhiều hộ dân trong xã trở nên khá giả từ ngành nghề này. Trong những năm qua, xã đã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất cói không hiệu quả sang NTTS, nhất là áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Đặc biệt, những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã hình thành phương thức sản xuất mới, mang tính hiện đại, nâng cao hiệu quả NTTS.

Được biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong NTTS, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Nga Sơn đã có chủ trương đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, trạm điện vùng NTTS tập trung của xã Nga Tân... Hy vọng chủ trương đó sẽ sớm được hiện thực hóa, góp phần hỗ trợ phát triển vùng NTTS, tạo nên một hệ thống cống ngăn mặn, kênh cấp, thoát nước đồng bộ, không còn cảnh bức xúc, đơn, thư kiến nghị, đề nghị giữa các vùng sản xuất cói và NTTS trong xã.


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 18154


Các tin khác:
 Nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh (05/04/2021)
 Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu (25/03/2021)
 Thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh (25/03/2021)
 Khó khăn trong phát triển cá rô phi đơn tính (12/03/2021)
 Đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè (05/03/2021)
 Huyện Hoằng Hóa tích cực chuẩn bị các điều kiện thả nuôi tôm vụ xuân hè 2021 (28/02/2021)
 Chủ động con giống nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè (19/02/2021)
 Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (05/02/2021)
 Tiếp tục thực hiện Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa (03/02/2021)
 Hiệu quả nguồn vốn vay phát triển nuôi trồng thủy sản (03/02/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang