Số lượt truy cập
Hôm nay 52708
Hôm qua 39190
Tuần này 157412
Tháng này 3195238
Tất cả 192990822
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 12/04/2021
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn

Những địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn đã và đang lựa chọn cây trồng, mô hình phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất này, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Quảng Văn (Quảng Xương) là xã nằm ở cuối nguồn tưới, nên trên địa bàn có tới hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị nhiễm mặn, chiếm khoảng 35% diện tích sản xuất nông nghiệp của toàn xã. Diện tích có nguy cơ bị nhiễm mặn cao chủ yếu tập trung ở vị trí ven sông Hoàng và diện tích được tưới bằng máy bơm động lực. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của xã. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại, UBND xã Quảng Văn đã vận động Nhân dân đưa các loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện canh tác, có khả năng chịu hạn cao vào trồng thay thế cho những cây truyền thống. Tính từ năm 2015 đến nay, xã đã chuyển đổi được hơn 30 ha trồng lúa có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, năng suất thấp sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn cao, như: dưa lê, cà tím, đậu... Trong vụ đông xuân năm nay, UBND xã tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi thêm 20 ha trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây rau màu. 

Diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn tại xã Quảng Văn (Quảng Xương) được chuyển đổi sang trồng cây rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Ngô Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn, cho biết: Việc lựa chọn những cây trồng có thời gian thu hoạch trước trung tuần tháng 4 và các cây có sức chịu hạn, mặn cao đã giảm thiểu đáng kể sức ép về nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, nhất là thời kỳ nắng hạn cao điểm vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Hiệu quả kinh tế bình quân sau chuyển đổi tăng 30%, thậm chí có diện tích tăng tới 50% so với trước khi chưa chuyển đổi.

Tại huyện Hoằng Hóa, tình trạng hạn và xâm nhập mặn thường xảy ra tại 17 xã thuộc vùng biển, chủ yếu tập trung vào các xã lấy nguồn nước từ trạm bơm Hoằng Khánh, với diện tích dự báo bị hạn và xâm nhập mặn trong năm nay khoảng 340 ha. Để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn, cùng với việc thực hiện các biện pháp hạn chế xâm nhập mặn, huyện Hoằng Hóa thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng. Theo đó, huyện đã lựa chọn và sử dụng các loại giống có khả năng chịu mặn như: Nhị Ưu 838, Bắc Thơm số 7, Nam Dương 99 đưa vào gieo cấy thay cho các giống lúa thông thường; thu hút, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án phục vụ thau chua, rửa mặn; đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất... Đối với những diện tích đang trồng lúa có độ nhiễm mặn cao, ảnh hưởng đến năng suất, huyện thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại cây màu hàng hóa có khả năng chịu hạn, như: bí xanh, cà rốt, khoai lang Nhật Bản, dưa lê... và chuyển đổi sang xây dựng trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản. Hiện, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 760 ha, trong đó, có khoảng 30% diện tích là vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, mỗi vụ sản xuất, toàn tỉnh có khoảng 7.000 đến 8.000 ha bị xâm nhập mặn; trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn khoảng 4.775 ha và tập trung tại các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống. Dự báo, những năm tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ ngày càng gia tăng cả về diện tích và độ mặn. Do đó, cùng với việc thực hiện các biện pháp hạn chế xâm nhập mặn thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp hiệu quả, mang tính bền vững cho vùng sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng nhiễm mặn phát huy hiệu quả kinh tế, các địa phương cần tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân trong việc định hướng, lựa chọn các cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch chuyển đổi, tránh việc phát triển tự phát các loại cây trồng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 14156


Các tin khác:
 Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp (08/04/2021)
 Hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp (31/03/2021)
 Phát triển các mô hình liên kết sản xuất lúa ở huyện Hoằng Hóa (25/03/2021)
 Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hiệu quả (25/03/2021)
 Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (18/03/2021)
 Chăm sóc cây trồng vụ đông xuân (16/03/2021)
 Xây dựng nông nghiệp thành một trụ cột tăng trưởng (12/03/2021)
 Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp trong vụ đông xuân (10/03/2021)
 Phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu (02/03/2021)
 Phát triển nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường (05/02/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang