Số lượt truy cập
Hôm nay 31399
Hôm qua 58866
Tuần này 194969
Tháng này 3232795
Tất cả 193028379
Browser   (Today) Chi tiết >>
Chủ nhật, 26/04/2020
Xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến sợi gai xanh

Trong những năm qua, các huyện miền núi của tỉnh đã tập trung thực hiện Quyết định 1484/QĐ-UBND ngày 24-4-2018 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt, tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Dự án Nhà máy sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) có công suất 10.000 cọc sợi/năm, tổng mức đầu tư 627,9 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 3-2016, do Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước, Hà Nội (Công ty An Phước) làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai nhằm cung cấp các sản phẩm sợi, dệt cho ngành dệt may, góp phần thực hiện các mục tiêu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn. Để phát triển vùng nguyên liệu, ngày 26-5-2018, Công ty An Phước phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cẩm Thủy tổ chức công bố đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Dự án được triển khai trên địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa. Thực hiện đề án, huyện Lang Chánh đã phối hợp với Công ty An Phước trồng thử nghiệm hơn 16 ha cây gai xanh tại các xã Tân Phúc, Đồng Lương, Quang Hiến... Để khuyến khích người trồng, huyện Lang Chánh còn hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia trồng cây gai xanh tập trung, với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/1 ha. Các hộ trồng cây gai xanh được Công ty An Phước hỗ trợ giống, phân bón bằng hình thức vay trả chậm, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do được các hộ trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên cây gai xanh phát triển tốt, sau 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch. Qua kết quả thực nghiệm cho thấy, cây gai xanh dễ trồng, đầu tư 1 lần cho thu hoạch trong vòng 10 năm, với 3 đến 4 lứa/năm, lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha/năm. Ông Lương Văn Phúc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Lang Chánh, cho biết: Cây gai xanh dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể trồng trên đất dốc 10%, khả năng chịu hạn tốt, có khả năng giữ ẩm, cải tạo lý tính của đất, tăng độ phì nhiêu, làm đất tơi xốp, tăng độ che phủ, chống xói mòn và bảo vệ đất hiệu quả. Loại cây này ưa khí hậu nóng ẩm, trồng sau 75 ngày là có thể thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại, sau 45 ngày cho thu hoạch lứa thứ 2. Với hiệu quả bước đầu, cây gai xanh đã và đang tạo thêm cơ hội để địa phương đa dạng cây trồng, nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến sợi gai xanh

 Diện tích trồng cây gai xanh ở xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy).

Huyện Cẩm Thủy là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh trồng cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến cho nhà máy sợi. Năm 2016, Công ty An Phước đã trồng thử nghiệm thành công giống gai xanh AP1 tại các xã Cẩm Tú, Cẩm Quý... Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 60 ha cây gai xanh. Ông Bùi Văn Tình, xã Cẩm Quý, cho biết: Trồng cây gai xanh không mất nhiều công chăm sóc, cây sinh trưởng, phát triển rất tốt, sau 3 tháng trồng cây đạt chiều cao trung bình từ 1 - 1,2m, cây gai xanh có độ che phủ cao nên chỉ cần làm cỏ thời gian đầu, sau khi thu hoạch lần đầu chỉ cần làm cỏ 1 lần/lứa, năng suất bình quân mỗi lứa từ 20-25 tấn/ha, tương đương với 700-800 kg sợi khô.

Tuy nhiên, ngoài hiệu quả kinh tế mà cây trồng này mang lại, người dân trồng cây gai xanh cũng bắt đầu có những khó khăn trong quá trình tiêu thụ. Theo ông Dương Ngọc Hân, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý, từ năm 2019, Công ty An Phước đã thay đổi phương thức thu mua vỏ khô thay vì mua toàn bộ cây (thân, lá, vỏ) như trước đây. Điều này khiến người trồng cây gai xanh gặp nhiều khó khăn trong quá trình sơ chế, bóc tách vỏ và phơi khô để nhập cho nhà máy. Người dân phải tự đầu tư máy, thuê nhân công thu hoạch và bóc tách vỏ cây gai xanh nên chi phí sản xuất tăng cao. Trung bình mỗi máy sơ chế vỏ cây gai xanh phải sử dụng 3 lao động, với chi phí khoảng 250.000 đồng/người/ngày, lợi nhuận từ cây trồng này không được như trước đây. Trong khi người dân trồng cây gai xanh mong muốn thu hoạch đến đâu nhà máy thu mua đến đấy, không phải qua sơ chế.

Theo mục tiêu của đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025 diện tích trồng cây gai xanh trong vùng là 3.457 ha, nâng tổng diện tích đất trồng gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là 6.457 ha; năng suất toàn vùng bình quân 110 tấn gai tươi/ha/năm, tổng sản lượng 700.000 tấn gai tươi/năm (bao gồm thân, vỏ, lá). Đến năm 2030, diện tích trồng gai xanh nguyên liệu ổn định 6.457 ha, tổng sản lượng gai nguyên liệu toàn vùng 750.000 tấn gai tươi/năm (bao gồm thân, vỏ, lá). Vì vậy, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, để thu hút doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể và người sản xuất về phát triển cây gai xanh lấy sợi nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Giải quyết hài hòa lợi ích của người trồng cây gai xanh với doanh nghiệp thu mua, chế biến gai theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh gắn với thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Hình thành và phát triển mối quan hệ liên kết chặt chẽ, bền vững lâu dài giữa doanh nghiệp chế biến gai với các địa phương, các tổ chức, cá nhân trồng gai nguyên liệu. Tổ chức ký kết hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp thu mua, chế biến cây gai xanh với tổ chức, cá nhân sản xuất cây gai xanh nguyên liệu ngay từ đầu vụ sản xuất. Đối với doanh nghiệp thu mua, chế biến cây gai xanh phải ban hành và thực hiện phương thức thu mua và thanh toán nhanh, gọn, thuận lợi cho người dân. Thực hiện cơ chế hỗ trợ đầu tư ứng trước về vốn, giống, làm đất, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh và các tiến bộ kỹ thuật,...) cho các cá nhân, đơn vị sản xuất cây gai xanh nguyên liệu để phát triển vùng nguyên liệu theo kế hoạch.


Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 21123


Các tin khác:
 Thanh Hóa: 1.340,1 ha trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá (24/04/2020)
 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hạn chế tác động của dịch bệnh COVID-19 (15/04/2020)
 Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng vụ đông xuân (10/04/2020)
 Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt (23/03/2020)
 Thị trường vật tư nông nghiệp khó kiểm soát (13/03/2020)
 Cần giảm thiểu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp (10/03/2020)
 Mô hình sản xuất khoai tây quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao (31/01/2020)
 Chủ động cấp nước phục vụ sản xuất chiêm xuân 2019 – 2020 (31/01/2020)
 Các trang trại trồng cây có múi chuẩn bị cung ứng trái cây trong dịp Tết (04/12/2019)
 Tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông năm 2019 (18/10/2019)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang