Tham dự Hội nghị Lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Sở Tài chính; các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT được giao nhiệm vụ triển khai Kế hoạch; đại diện UBND các huyện, thị xã, Thành phố của tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa tham dự và đưa tin.
Hội nghị đã đưa ra 4 nội dung để cùng tham luận đóng góp ý kiến xây dựng cách thức thực hiện trong thời gian tới bao gồm:
- Giới thiệu Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản
- Giới thiệu mục đích yêu cầu của Chỉ thị số 1159/CT-BNN-QLCL ngày 27/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.
- Kế hoạch thực hiện Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ban hành.
- Quyết định số 1263/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý chất lượng vật tư hàng hóa nông nghiệp và chất lượng nông, lâm, thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2015 tỉnh Thanh Hóa”.
Trong phần tham luận, Hội nghị đặc biệt quan tâm và đề nghị các huyện, Thành phố đã tham gia thực hiện thí điểm kiểm tra, đánh giá, phân loại năm 2010 phát biểu, nêu những thuận lợi, khó khăn và những đề xuất, kiến nghị cũng như các giải pháp cần được bổ xung trong thời gian tới để thực hiện tốt Kế hoạch mà Sở Nông nghiệp và PTNT đề ra. Đây thực sự là những bài học kinh nghiệm hữu ích giúp các địa phương trong tỉnh chưa được tham gia thí điểm chuẩn bị thực hiện Kế hoạch trong thời gian tới đảm bảo được yêu cầu
Sau phần tham luận, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã phát biểu kết luận một số nội dung chính như sau:
- Về quan điểm: Chất lượng VSATTP đang là một trong những vấn đề “nóng” hiện nay và chỉ có quản lý tốt về chất lượng, VSATTP mới có thể gia tăng giá trị sản phẩm, có nhiều cơ hội trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp; do vậy vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng và có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Quản lý chất lượng chính là thực thi pháp luật, trên cơ sở các luật, các nghị định, quy định hiện hành của nhà nước. Bên cạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật, cần tăng cường kỷ cương, trách nhiệm từ cơ quan quản lý đến người sản xuất; kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các đối tượng chống đối, không tuân thủ quy định gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đến sức khỏe nhân dân.
- Về tổ chức thực hiện:
* Cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT được giao nhiệm vụ cụ thể như sau:
+ Giao cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá phân loại các đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản.
+ Chi cục Thú y: Chịu trách nhiệm kiểm tra đánh giá phân loại các đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y.
+ Chi cục Bảo vệ thực vật: Chịu trách nhiệm kiểm tra đánh giá phân loại các đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
+ Phòng Chăn nuôi, Phòng Nuôi trồng thủy sản (cùng phối hợp) chịu trách nhiệm kiểm tra đánh giá phân loại các đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh: giống con nuôi, giống thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
+ Phòng Trồng trọt, Chi cục Lâm nghiệp (trong đó Phòng trồng trọt chủ trì) chịu trách nhiệm kiểm tra đánh giá phân loại các đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh: Giống cây trồng nông nghiệp, giống cây trồng lâm nghiệp và phân bón.
Yêu cầu các đoàn kiểm tra phải được thành lập xong trước ngày 15/6/2011 và việc lập danh sách các cơ sở thuộc đối tượng kiểm tra, đánh giá phải xong trước 15/7/2011.
Các Phòng, Chi cục được giao nhiệm vụ tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra của 27 huyện thị trên địa bàn tỉnh; trong tập huấn nghiệp vụ phải gắn với tập huấn công tác lấy mẫu, có thể mời các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tập huấn để có cơ sở cấp chứng chỉ lấy mẫu cho cán bộ cấp huyện.
Công tác kiểm tra, đánh giá phân loại phải hoàn thành xong trong tháng 9/2011. Dữ liệu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh qua kết quả kiểm tra đánh giá, phân loại được tổng hợp và đưa lên trang Web của Sở, hoàn thành trong tháng 10/2011.
* Cấp huyện:
+ Thành lập ban chỉ đạo của huyện và xây dựng kế hoạch thực hiện trên cơ sở Kế hoạch Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành.
+ Thành lập các đoàn kiểm tra theo cách tổ chức của cấp tỉnh (gồm 5 đoàn kiểm tra theo các nhóm ngành hàng) xong trước 15/7/2011. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương trong việc giao nhiệm vụ cho cấp xã, có thể theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 hoặc trước mắt giao nhiệm vụ cho cấp xã cùng tham gia phối hợp với các đoàn kiểm tra để thực hiện.
+ Tiến hành kiểm tra, đánh giá, phân loại từ tháng 7 - 9/2011 và báo cáo kết quả về tỉnh để tổng hợp thành dữ liệu của toàn tỉnh trong tháng 10/2011.
* Các đoàn kiểm tra cấp tỉnh, huyện nếu cần thiết có thể làm việc và mời các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Công an cùng tham gia để gắn kiểm tra với xử lý vi phạm. Các đối tượng không giấy phép kinh doanh UBND cấp huyện, xã phải phải đình chỉ không cho tiếp tục sản xuất.
Các cơ quan kiểm tra cần xác định mùa vụ sản xuất, kinh doanh của từng đối tượng để xác định thời điểm kiểm tra hợp lý, đánh giá đúng thực trạng của cơ sở.
Giao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xây dựng mẫu Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp/sản phẩm nông lâm thủy sản. Các đoàn kiểm tra do các Phòng của Sở thực hiện, Lãnh đạo Sở sẽ ký giấy chứng nhận để cấp cho cơ sở đủ điều kiện.
Về kinh phí thực hiện: Các đoàn kiểm tra (cấp tỉnh và huyện) lập dự trù kinh phí đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ được giao. Kinh phí thực hiện bao gồm cả công tác tập huấn và lấy mẫu.
Đề nghị các cấp, các cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai nghiêm túc Kế hoạch và các yêu cầu đã được kết luận và thống nhất tại Hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai và các đơn vị thực hiện tốt, kém hiệu quả.
- Về triển khai đề án “Tăng cường quản lý chất lượng vật tư hàng hóa nông nghiệp và chất lượng nông, lâm, thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2015 tỉnh Thanh Hóa”:
+ Giao chi Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tham mưu xây dựng văn bản để Giám đốc Sở trình chủ tịch UBND tỉnh xin chủ trương để xây dựng 3 dự án:
Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản;
Dự án Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho cơ quan Quản lý chất lượng VTHHNN và VSATTP nông, lâm, thủy sản;
Dự án Đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan Quản lý chất lượng VTHHNN và VSATTP nông, lâm, thủy sản ở các cấp.
Trên cơ sở đó để triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.


