Trong 6 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp, hình thức để tập trung phát triển cây gai nguyên liệu. Kết quả đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển mở rộng diện tích trồng gai tại các địa phương so với những năm trước đây, tuy nhiên theo đánh giá vẫn chưa đạt kế hoạch và yêu cầu đề ra: Diện tích cây gai được trồng mới trong 6 tháng đầu năm mới đạt 310 ha/1.000ha KH tỉnh giao; nhiều xã, huyện có diện tích trồng gai theo Đề án đã được tỉnh phê duyệt vẫn chưa tổ chức, chỉ đạo cho Nhân dân trồng cây gai nguyên liệu.
Đồng chí Giám đốc Sở kiểm tra kế hoạch phát triển cây gai xanh tại xã Xuân Khang, huyện Như Thanh
Tại huyện Như Thanh, đồng chí Giám đốc Sở cùng Lãnh đạo huyện, các phòng chuyên môn đã trực tiếp kiểm tra việc triển khai kế hoạch phát triển cây gai nguyên liệu tại các xã: Mậu Lâm, Xuân Khang, Phú Nhuận. Tuy đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của huyện và các xã, song tổng diện tích cây gai xanh trên địa bàn huyện mới đạt 8,2 ha (bằng 22,8% kế hoạch), đồng chí Giám đốc Sở đánh giá về tiến độ trồng như vậy là chậm, đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra. Qua kiểm tra thực tế các xã vẫn còn nhiều diện tích có thể chuyển đổi sang trồng cây gai xanh như: Diện đất trồng sắn đã mắc bệnh khảm lá sắn, diện tích trồng ngô song sinh trưởng kém, một số diện tích hiện chưa có cây trồng... đồng chí Giám đốc đề nghị, địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có biện pháp quyết liệt, cụ thể hơn để chuyển đổi những diện tích như trên sang trồng cây gai xanh, thậm chí nếu tính toán chi tiết bài toán kinh tế có thể chuyển đổi diện tích trồng keo đã đạt từ 3 năm tuổi để chuyển sang trồng cây gai xanh.
.jpg)
Đồng chí Giám đốc Sở nghe hộ sản xuất chia sẻ về quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cây gai xanh
Tại huyện Nông cống, đồng chí Giám đốc Sở đã đi kiểm tra tại các xã: Thăng Long, Công Liêm, Tượng Sơn, Công Chính. Qua kiểm tra cho thấy, tiến độ trồng cây gai xanh của huyện đã được đẩy nhanh, diện tích trồng gai xanh hiện có là 12 ha, đạt 60% kế hoạch. Một số diện tích hiện nay ở huyện cũng có thể chuyển sang trồng gai xanh như: Diện đất trồng sắn đã mắc bệnh khảm lá sắn, diện tích trồng ngô sinh trưởng kém, một số diện tích hiện chưa có cây trồng và diện tích trồng keo đã có thể khai thác. Với những diện tích nêu trên, nếu được chuyển đổi kịp thời thì diện tích trồng gai xanh hoàn toàn có thể đạt được thậm chí vượt kế hoạch đề ra.
Qua làm việc với lãnh đạo các huyện và xã được giao kế hoạch phát triển cây gai xanh, các địa phương đều đánh giá cao định hướng phát triển cây gai xanh, trước mắt vẫn chưa có cây trồng nào được đánh giá hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đây là cây trồng mới, nhiều hộ muốn chờ xem hiệu quả thực tế đem lại, một số hộ vì thiếu nhân lực hoặc cây trồng chưa đến kỳ thu hoạch... nên diện tích trồng cây gai xanh còn chậm phát triển. Lãnh đạo các huyện khẳng định, thời gian tới và sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có những giải pháp mạnh mẽ hơn để hoàn thành kế hoạch tỉnh giao, thậm chí như huyện Nông Cống sẽ phấn đấu vượt kế hoạch khoảng 20ha trong năm 2022.
Đồng chí Giám đốc Sở đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát triển cây gai xanh; các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành chính sách riêng của địa phương để đẩy mạnh phát triển vùng cây gai xanh. Tuy nhiên, với điều kiện về quỹ đất và thời vụ, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh hơn nữa công tác trồng mới đảm bảo đạt diện tích được giao, thậm chí có thể nâng kế hoạch diện tích gieo trồng ngay trong năm 2022. Trên cơ sở các đề xuất kiến nghị của các địa phương, đồng chí Giám đốc Sở khẳng định về điều kiện để chuyển đổi sang trồng cây gai xanh hiện nay là hoàn toàn thuận lợi, từ việc tỉnh đã ban hành chính sách phát triển, có đầy đủ hướng dẫn về kỹ thuật, các mô hình đã có; đặc biệt việc tiêu thụ sản phẩm, người dân hoàn toàn có thể yên tâm, do hiện nay nguyên liệu mới đáp ứng được khoảng 20% công xuất của nhà máy. Đề nghị các huyện cần tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh, tích cực tuyên truyền cho người dân về hiệu quả của việc trồng cây gai xanh, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Mục tiêu cuối cùng là mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nói riêng./.