Số lượt truy cập
Hôm nay 36627
Hôm qua 39190
Tuần này 141331
Tháng này 3179157
Tất cả 192974741
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 26/10/2020
Dấu ấn “tam nông”

Ngày 5-8-2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (sau đây gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 7) ra đời. Đây được đánh giá là một trong số những nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh chóng và tạo ra những kết quả nổi bật, góp phần làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Chỉ sau hơn 3 tháng khi Nghị quyết Trung ương 7 ra đời, ngày 14-11-2008, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chương trình hành động số 56-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong hành trình 12 năm đưa Nghị quyết Trung ương 7 vào cuộc sống, tỉnh ta đã xây dựng và triển khai thực hiện 78 chương trình, đề án phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để “tam nông” của tỉnh có được sự chuyển mình toàn diện, làm nên được những kết quả ấn tượng. 

Mô hình trồng dưa lưới Nhật công nghệ cao tại thị trấn Thọ Xuân.

Để Nghị quyết Trung ương 7 có sức lan tỏa sâu rộng, trên cơ sở Chương trình hành động của Tỉnh ủy, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương đã phát động các phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết Trung ương 7. Tiếp đó, hàng loạt nghị quyết, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển “tam nông” đã được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong suốt nhiều năm. Trong đó, có nhiều chương trình, đề án, chính sách đã và đang được thực hiện, làm thay đổi toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Điển hình như: Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20-4-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Quyết định 289-QĐ/TU của Tỉnh ủy Thanh Hóa về ban hành Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 126/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa về cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020; Quyết định 5643/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Các nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả đã và đang góp phần tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu giống, chủ động được nguồn giống tốt, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, đã huy động được các nguồn vốn khác để phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Sự chuyển biến toàn diện của “tam nông” được minh chứng bằng những kết quả đáng ghi nhận, với giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân ước đạt 3%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển biến theo hướng nông nghiệp giảm từ 76,3% năm 2015 xuống khoảng 69,1% năm 2020, lâm nghiệp tăng từ 5,7% năm 2015 lên khoảng 7,9%, thủy sản tăng từ 17,9% năm 2015 lên khoảng 23%. Trong nông nghiệp, đã cơ bản hoàn chỉnh các quy hoạch làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Toàn tỉnh đã vận động, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai được 15.891 ha ở 25 đơn vị cấp huyện. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh thu hút được 807 doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào lĩnh vực nông nghiệp, từ đó mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp được liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm trồng trọt đạt 67.761 ha. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển ổn định được các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, như: Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty Sữa TH True Milk, Công ty CP Nông sản Phú Gia - VietAvis; liên kết thu mua, giết mổ, chế biến lợn sữa xuất khẩu của Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty Chế biến súc sản Thanh Hóa; chuỗi liên kết gia công của Công ty CP Dabaco, Japfa. Hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm; trong đó, một số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp đạt hiệu quả cao, như: Công ty TNHH Gỗ Xuân Sơn với nhóm hộ huyện Thạch Thành, quy mô 1.990 hộ/3.354,92 ha rừng gỗ; Công ty CP Ngọc Sơn với nhóm hộ huyện Quan Sơn, quy mô 69 hộ/3.045 ha rừng luồng, vầu; Công ty CP BWG Mai Châu với nhóm hộ huyện Quan Hóa, quy mô 545 hộ/2.369,6 ha rừng luồng.

Trong xây dựng NTM, tính đến trung tuần tháng 9-2020, toàn tỉnh có 7 huyện, 1 thành phố, 379/569 xã và 961 thôn, bản đạt chuẩn NTM; trong đó, có 748 thôn, bản thuộc các xã miền núi. 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 17 thôn, bản NTM kiểu mẫu. Tính theo số liệu sau sáp nhập: Toàn tỉnh có 312/476 xã, 754 thôn, bản (591 thôn, bản miền núi) đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 thôn, bản NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,01 tiêu chí/xã. Đối với việc thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh đã lựa chọn, đánh giá, xếp hạng được 30 sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Dự kiến, đến hết năm 2020, tỉnh Thanh Hóa có 53 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 3 sản phẩm được đề xuất sản phẩm quốc gia.

Nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng tích cực giúp đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao, đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 35%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 ước đạt 36,9 triệu đồng, gấp 2,05 lần so với năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5%/năm.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển “tam nông”, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển “tam nông”. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để khuyến khích, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. Đồng thời, rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025, phù hợp với thực tiễn phát triển; chính sách xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; chính sách huyện NTM giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt có hiệu quả cao. Tập trung, tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 17260


Các tin khác:
 Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa (24/10/2020)
 Thanh Hóa chủ động các biện pháp tiêu thoát nước, bảo vệ cây trồng (14/10/2020)
 Hiệu quả từ mô hình tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn (12/10/2020)
 Khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp (12/10/2020)
 Tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón (03/10/2020)
 Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng (03/09/2020)
 Chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ thu mùa (05/08/2020)
 Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (29/06/2020)
 Hơn 4.700 ha lúa trong vụ đông xuân được liên kết sản xuất (23/06/2020)
 Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (05/06/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang