Số lượt truy cập
Hôm nay 32141
Hôm qua 39190
Tuần này 136845
Tháng này 3174671
Tất cả 192970255
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 29/05/2020
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC), nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để nhân rộng và phát triển bền vững NNHC thì vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Để sản xuất NNHC, cần phải tuân thủ các quy định, như: Không sản xuất hữu cơ xen lẫn với sản xuất thông thường và vùng đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ; không sử dụng các loại giống cây chuyển đổi gen; không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các loại phân bón tổng hợp... Vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của NNHC là một thách thức lớn. Tìm hiểu tại mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Quảng Ngọc (Quảng Xương) có diện tích 112 ha, được biết: Khi tham gia vào mô hình, người dân được hỗ trợ về giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tư vấn kỹ thuật từ gieo mạ đến khi thu hoạch... Năng suất lúa tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất truyền thống và được Công ty CP Bắc Trung bộ ký cam kết thu mua 100% lúa thương phẩm. Ông Hoàng Văn Tuyên, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Ngọc, cho biết: Ngoài việc cung cấp cho thị trường nông sản có chất lượng cao thì sản xuất lúa theo hướng hữu cơ còn có tác động lớn về mặt môi trường, nuôi dưỡng chất lượng đất và bảo vệ môi trường sống an toàn cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, hầu hết người dân còn lệ thuộc vào tập quán canh tác cũ, vấn đề kỹ thuật, chuyên môn còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật... Mặt khác, nếu không ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm thì sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống do chi phí sản xuất cao, nhưng giá cả lại chưa tương xứng...

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Nông trại Queen Farm, thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Thành lập năm 2018, Nông trại Queen Farm của anh Trần Văn Tân, thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn. Hiện nay, trang trại của anh có 4.500m2 trồng rau, củ, quả hữu cơ. Mỗi luống cây trồng đều được gắn bảng thông tin về quá trình sinh trưởng, như: Ngày xuống giống, ngày bón phân, ngày dự kiến thu hoạch... Tuy nhiên, theo cán bộ kỹ thuật của trang trại thì quy trình sản xuất hữu cơ phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quản). Chi phí đầu tư cao, cần nhiều sức lao động, kỳ công hơn so với các hình thức sản xuất thông thường. Mặt khác, người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin chất lượng của các sản phẩm hữu cơ; đồng thời cần phải xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định thì mới có thể phát triển bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất NNHC, như: Lúa hữu cơ tại các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Yên Định,...; rau, hoa quả công nghệ cao tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Hoằng Hóa... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng gần 5.000m2 nhà lưới sản xuất rau thủy canh theo công nghệ của Israel tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Quảng Xương và Triệu Sơn. Tuy bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhưng trong quá trình canh tác người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch vùng trồng vì chưa được triển khai hợp lý do NNHC cần có vùng cách ly với nông nghiệp truyền thống, nhằm ngăn tác động trực tiếp của hóa chất với sản phẩm. Bên cạnh đó, với diện tích sản xuất trước đây sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật, khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, những năm đầu, năng suất giảm và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh. Đầu ra cho sản phẩm luôn gặp phải những rào cản về thói quen của người tiêu dùng do đa số yêu thích các loại nông sản có vẻ ngoài bắt mắt và giá cả tiết kiệm. Nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, do vậy, việc sản xuất NNHC để cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn không nhỏ về vấn đề tiêu thụ.

Trước thực tế này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo Nghị định 109, ngày 28-8-2018 của Chính phủ về NNHC, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát địa hình, lựa chọn địa điểm, phân tích các điều kiện... trong quá trình triển khai thực hiện sản xuất; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC (1 lần)... Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ một phần chi phí đào tạo, tập huấn sản xuất, giống, phân bón... đối với mô hình trồng trọt và chi phí giống, thức ăn hữu cơ và thuốc thú y đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông... Bên cạnh đó, sản xuất NNHC phải phát triển song hành với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nhằm thay đổi thói quen sản xuất của người dân; thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược được quy định... Các doanh nghiệp, HTX, người dân cần có các phương thức liên kết sản xuất để bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 21862


Các tin khác:
 Xã Thiệu Vũ chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa (28/05/2020)
 Huyện Tĩnh Gia phấn đấu gieo trồng 8.200ha cây trồng các loại trong vụ thu - mùa (26/05/2020)
 Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Quảng Xương (23/05/2020)
 Chủ động phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng trên lúa xuân cuối vụ (05/05/2020)
 Tập trung phòng, trừ sâu bệnh trên lúa thời kỳ cuối vụ (03/05/2020)
 “Giữ nhịp” sản xuất trên các cánh đồng (01/05/2020)
 Xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến sợi gai xanh (26/04/2020)
 Thanh Hóa: 1.340,1 ha trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá (24/04/2020)
 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hạn chế tác động của dịch bệnh COVID-19 (15/04/2020)
 Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng vụ đông xuân (10/04/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang