Số lượt truy cập
Hôm nay 30921
Hôm qua 39190
Tuần này 135625
Tháng này 3173451
Tất cả 192969035
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 27/05/2020
Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại ở các huyện miền núi

Những năm qua, nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh ở khu vực miền núi, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại. Đây được xem là một trong những hướng xóa đói, giảm nghèo và góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.

Được sự khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện của UBND xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy), gia đình ông Nguyễn Văn Hương đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng trang trại nuôi gà kết hợp thả vườn. Ông Hương cho biết: “Trước đây, gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao, nhất là chỉ chăn thả tự nhiên nên chất thải đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Từ khi xây dựng chuồng trại khép kín, có máng ăn, máng nước bảo đảm vệ sinh, gia đình đã tăng số lượng đàn lên hơn 1.000 con/lứa và ứng dụng công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi”. Bên cạnh đó, ông lựa chọn con giống có năng suất cao; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng cho gia cầm... Theo ông Hương, đàn gà có sức đề kháng tốt hơn, da vàng, thịt chắc và thơm ngon, trứng có lòng đỏ đậm nên người tiêu dùng rất ưa chuộng; nhất là, áp dụng khoa học - kỹ thuật đã hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Vì vậy, lứa gà nào đến thời điểm xuất bán cũng có nhiều thương lái đặt mua, giá bán luôn cao hơn giá bán gà công nghiệp từ 20 đến 30%.


Trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Văn Hương, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy).

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có 28 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13-4-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 40 gia trại, trang trại có quy mô từ 1.000 con đến 8.000 con/lứa. Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình trang trại, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Không chỉ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thức ăn chăn nuôi mà còn chú trọng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, sử dụng đệm lót sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, hình thành các hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa trang trại với doanh nghiệp.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Những năm gần đây, phát triển chăn nuôi ở các huyện miền núi đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại sản xuất khép kín. Để tạo động lực giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, các địa phương đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại được vay vốn của ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Khuyến khích chuyển đổi, chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa... tạo quỹ đất liền kề để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khả thi đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả kinh tế sang phát triển trang trại. Đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa các trang trại, HTX,... để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thu hút doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững. Để phát triển chăn nuôi, ngoài sự chủ động của người dân, các cấp, ngành chức năng đã có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, như: Đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,... Mặt khác, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh; tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, như: Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân còn hạn chế do tài sản thế chấp của các trang trại là đất đai, trong khi giá trị đất đai ở những nơi đầu tư trang trại thường thấp. Phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng tập trung ở một số địa phương còn hạn chế, do khó tích tụ đất đai. Điều này cũng chính là rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, giá sản phẩm chăn nuôi luôn bấp bênh, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra của sản phẩm chưa thực sự ổn định, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người chăn nuôi chưa thực sự yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.


Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 22378


Các tin khác:
 Tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi (21/05/2020)
 Chăm sóc, bảo vệ vật nuôi trong mùa nắng nóng (21/05/2020)
 Thanh Hóa kiên quyết không để bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát (19/05/2020)
 Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững (13/05/2020)
 Hiệu quả mô hình liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi ở Như Xuân (10/05/2020)
 Tăng cường chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi mùa nắng nóng (07/05/2020)
 Thêm 8 trang trại nuôi lợn quy mô lớn đi vào hoạt động (03/05/2020)
 Hiệu quả mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học (28/04/2020)
 2.163 cơ sở chăn nuôi lợn chuyển đổi sang vật nuôi khác (08/04/2020)
 Phát triển chăn nuôi theo chuỗi (01/04/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang