Số lượt truy cập
Hôm nay 47548
Hôm qua 39190
Tuần này 152252
Tháng này 3190078
Tất cả 192985662
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 29/06/2020
Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất quy mô lớn. Từ đó, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người nông dân.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Thiệu Hóa đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở chế biến và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, hệ thống canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường. Theo đó, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: Vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với tổng diện tích 6.500 ha/năm; 10 vùng chuyên canh sản xuất rau màu hơn 30 ha; vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu gần 2 ha; vùng chuyên canh trồng dâu tằm gần 127 ha... Thông qua việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn nhiều sản phẩm đặc trưng đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, như: Rau an toàn (thị trấn Thiệu Hóa); dưa chuột an toàn (thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Toán); nấm, mộc nhĩ, măng tây (xã Tân Châu); thanh long ruột đỏ (xã Thiệu Vũ); cá giống (xã Minh Tâm)... Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thiệu Hóa: Sản xuất quy mô lớn sẽ thuận lợi hơn trong việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, năng suất cao hơn từ 20 - 25% trở lên, hiệu quả kinh tế cao hơn bình quân từ 1,2-1,5 lần trở lên so với sản xuất truyền thống. Trong đó, vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung doanh thu 450-500 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 5-8 lần so với sản xuất truyền thống.

Vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao ở thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện Quảng Xương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác đồng bộ. Như: Vùng nguyên liệu sản xuất tập trung lúa chất lượng cao khoảng 3.500 ha ở các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp,... vùng sản xuất rau an toàn tập trung theo hướng VietGAP trên 30 ha ở các xã Quảng Lưu, Quảng Yên... Từ thành công bước đầu trong việc tích tụ, tập trung đất đai đã tạo bước đột phá nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại; từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất tập trung có quy mô lớn, dần hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng công nghệ cao. Thực tế, trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều trang trại tổng hợp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân. Thời gian tới, huyện định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: Vùng sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, vùng sản xuất rau an toàn áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp, vùng sản xuất hoa cao cấp trong nhà lưới, vùng chăn nuôi lợn (lợn ngoại hướng nạc), vùng chăn nuôi bò lai...

Hiện nay, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành và phát triển được 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và hơn 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã. Điển hình, như: Vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương; vùng sản xuất chuyên canh các loại cây rau màu, như: Ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa; vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Như Thanh; vùng chăn nuôi bò thịt tại các huyện miền núi, trung du... Đồng thời, hình thành các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao... áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP... Thời gian tới, để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung mang tính bền vững, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Khảo sát đặc thù của từng địa phương, từ đó hình thành những vùng sản xuất tập trung phù hợp với từng sản phẩm. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa số lượng lớn. Thực hiện rà soát các cơ chế, chính sách; đồng thời, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho vùng sản xuất tập trung, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối thị trường trong huyện với thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh. Việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người dân mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi phương thức canh tác lạc hậu sang phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần tạo nên những sản phẩm đạt chất lượng và tăng sức cạnh tranh, nhất là các sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu trên thị trường.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 23137


Các tin khác:
 Hơn 4.700 ha lúa trong vụ đông xuân được liên kết sản xuất (23/06/2020)
 Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (05/06/2020)
 Năng suất lúa vụ đông xuân ước đạt 64 tạ/ha (01/06/2020)
 Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn (29/05/2020)
 Xã Thiệu Vũ chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa (28/05/2020)
 Huyện Tĩnh Gia phấn đấu gieo trồng 8.200ha cây trồng các loại trong vụ thu - mùa (26/05/2020)
 Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Quảng Xương (23/05/2020)
 Chủ động phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng trên lúa xuân cuối vụ (05/05/2020)
 Tập trung phòng, trừ sâu bệnh trên lúa thời kỳ cuối vụ (03/05/2020)
 “Giữ nhịp” sản xuất trên các cánh đồng (01/05/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang