Số lượt truy cập
Hôm nay 23940
Hôm qua 39190
Tuần này 128644
Tháng này 3166470
Tất cả 192962054
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 25/09/2020
Nỗi lo hệ thống đê điều, hồ đập trong mùa mưa, bão

Với phương châm “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” các tháng vừa qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (CH PCTT&TKCN) tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị liên quan chủ động, tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm sẵn sàng phòng, chống và giảm nhẹ mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm 2020.

Trong các ngày đầu tháng 9-2020, chúng tôi có dịp về một số địa phương khảo sát thực tế công tác chuẩn bị PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. Nhìn chung, các huyện, các ngành đã tổng kết và rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế trong thực hiện công tác PCTT&TKCN năm 2019, triển khai nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2020. Kiện toàn ban CH PCTT&TKCN, giao nhiệm vụ, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Lập và triển khai các ph­ương án như ứng phó với bão mạnh, siêu bão; hộ đê, hồ đập; sơ tán dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; sơ tán dân vùng bãi sông khi có lũ lớn; bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển; phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Tổ chức lực l­­ượng, chuẩn bị vật tư, ph­­ương tiện, hậu cần theo ph­­ương án đã lập để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra... Các địa phương đã chuẩn bị cơ bản đủ số lượng vật tư phòng chống lụt bão (PCLB), phương tiện, hậu cần... theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Công trình xử lý khẩn cấp sạt lở bảo vệ khu dân cư và đê hữu sông Mã (tại Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) mới hoàn thành, đưa vào phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2020

Thực tế, công tác chuẩn bị PCTT&TKCN tại nhiều địa phương còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém. Cụ thể các kế hoạch, phương án PCTT&TKCN của một số huyện, xã còn thiếu chi tiết, tính khả thi không cao. Điển hình như huyện Quan Hóa, huyện Như Xuân, xã Thanh Thủy (thị xã Nghi Sơn)... Đến thời điểm đầu tháng 9-2020, toàn tỉnh vẫn còn 4 địa phương, gồm Thọ Xuân, Yên Định, Nông Cống, Hoằng Hóa, có đê nhưng chưa tổ chức tập huấn cho lực lượng tuần tra, canh gác và xung kích hộ đê. Thậm chí nhiều địa phương như Định Hòa (Yên Định), thị trấn Kim Tân (Thạch Thành), Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), Thanh Thủy (thị xã Nghi Sơn), xã Phú Nghiêm (Quan Hóa), Hà Long (Hà Trung)... nhiều vật tư PCLB chưa bảo đảm chất lượng; nhiều vật tư đã chuẩn bị từ các năm trước, đã hư hỏng, mục nát nhưng chưa được kiểm tra, phân loại và thay thế bằng vật tư mới. Kho vật tư dự trữ tại một số địa phương còn nhỏ hẹp, hư hỏng, xuống cấp, vị trí không thuận tiện cho việc huy động khi cần. Đa số các kho vật tư PCLB đều kết hợp chứa các vật dụng khác của địa phương...

Hầu hết các huyện có dân sinh sống ở bãi sông sẽ bị ngập nước khi có lũ lớn xảy ra nhưng chưa xây dựng phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn chi tiết, cụ thể... Chính quyền các cấp tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm Luật Đê điều, Luật PCTT, cụ thể là xây dựng công trình nhà ở trong hành lang bảo vệ đê; lấn chiếm lòng sông xây dựng cầu tàu (Hậu Lộc), xe quá tải đi trên đê gây hư hỏng mặt đê (Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Hà Trung, TP Thanh Hóa). Đối với công trình thủy lợi, tình trạng tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Thủy lợi xảy ra nhiều, đặc biệt trên các tuyến kênh chính như trồng cây lâu năm, cỏ voi, rau màu; xây dựng công trình, chôn cọc bê tông, quây lưới thép làm hàng rào; đổ rác, xả thải vào công trình...

Công tác tổ chức lực lượng tuần tra canh đê, lực lượng xung kích hộ đê tại nhiều xã có đê chưa chặt chẽ, biểu hiện cụ thể như có danh sách trích ngang nhưng chưa biên chế thành tổ, đội; chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên,... Công tác tập huấn cho lực lượng tuần tra canh gác và xung kích hộ đê PCTT còn mang nặng tính hình thức, số lượng tham gia tập huấn chưa được nhiều. Về công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khai thác hải sản trên biển, thực tế đối phó với một số cơn bão trong năm 2019 cho thấy, một số huyện chưa chủ động nắm bắt số lượng người, phương tiện và khu vực hoạt động của ngư dân trên biển trước, trong bão, số liệu thu thập chưa chính xác, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều động ứng cứu. Thực tế chúng tôi chứng kiến nhiều ngư dân ở các huyện ven biển tỉnh ta còn chưa nghiêm túc chấp hành quy định của Nhà nước, địa phương về đảm bảo an toàn hoạt động trên biển, cụ thể như còn chưa trang bị các thiết bị an toàn cho lao động và phương tiện đi biển. Tuy trong kho có phao cứu sinh và áo phao, nhưng thực tế kiểm tra trên một số tàu chuẩn bị rời bến đi biển lại không có phao cứu sinh. Trong khi đó phương tiện tham gia cứu nạn trên biển của lực lượng chức năng còn nhỏ, sức chịu đựng sóng gió kém nên việc triển khai cứu nạn còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết...

Phần lớn hệ thống đê điều của tỉnh ta được xây dựng đã lâu, thân đê nhỏ, thấp yếu, nhiều công trình kè, cống xuống cấp, chỉ cần trên mức nước lũ lịch sử là nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra. Ảnh h­ưởng của gió bão, triều cường hàng năm đã làm nhiều đoạn đê biển, đê cửa sông trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, Quảng X­­­ương, TP Sầm Sơn... có nguy cơ bị vỡ do bãi biển liên tục bị bào mòn, hoặc đê còn quá nhỏ chư­­a đủ cao trình thiết kế, một số đoạn đê, kè chưa đủ kiên cố lại chịu tác động của lũ, bão gây hư hỏng... đang là nỗi lo trong mùa mưa, bão. Qua kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương đã xác định 34 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu về đê điều và các hồ không bảo đảm an toàn.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi cho biết: hiện tại, toàn tỉnh có 610 hồ chứa, trong đó có 1 hồ chứa nước quan trọng là hồ Cửa Đạt, do Bộ NN&PTNT quản lý, 29 hồ chứa nước lớn, còn lại là hồ chứa nước nhỏ. Riêng 44 hồ do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý về cơ bản đã được đầu tư vốn nâng cấp, xử lý thấm phía hạ lưu, sửa chữa tràn, cống lấy nước, bảo đảm an toàn với điều kiện mưa gió diễn ra bình thường theo thiết kế. Trong các năm vừa qua, bằng nguồn vốn đảm bảo an toàn hồ chứa của Chính phủ đã có hàng chục hồ chứa nước ở khu vực trung du, miền núi đã được sửa chữa, nâng cấp và làm mới, đã đưa vào sử dụng, bảo đảm an toàn trữ nước trong mùa mưa, bão và phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9-2020, toàn tỉnh vẫn còn 100 hồ chứa nước (phục vụ nước tưới cho gần 2.800 ha cây trồng), chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh,... từ mực nước chết trở xuống. Ngoài ra, có 78 hồ chứa không bảo đảm an toàn, 5 hồ chứa không được tích nước, 62 hồ chỉ tích một phần nước. Các công trình này đang bị hư hỏng toàn bộ cống, thiết bị đóng mở, cống bị lùng mang, lùng đáy, đập đất bị sạt lở, thấm mạnh phía hạ lưu xuất hiện dòng chảy,... không phát huy được nhiệm vụ của công trình theo thiết kế gây bất lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn. Đáng lo ngại là trong mưa to, gió lớn sự cố về đập của hàng chục hồ tích nước khổng lồ trên địa bàn xảy ra sẽ là hiểm họa đổ nước xuống vùng hạ lưu, gây thiệt hại khó lường...

Để sẵn sàng đối phó, ngăn chặn có hiệu quả kể cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi có mưa to, lũ lớn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ban CH PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường kiểm tra, rà soát, chủ động khắc phục những tồn tại, bổ sung hoàn tất công tác chuẩn bị PCTT&TKCN từ tổ chức bộ máy chỉ huy, xây dựng các phương án đến chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư dự trữ theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra. Ngoài nhiệm vụ nêu trên, các huyện vùng biển cần rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án quản lý phương tiện, kêu gọi tàu thuyền ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn; phương án cứu hộ, cứu nạn; phương án tổ chức bến bãi neo đậu tàu thuyền vào tránh bão. Phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng làm tốt công tác quản lý ngư dân và phương tiện trước khi ra khơi đánh bắt hải sản; phải có đầy đủ các trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh và các phương tiện bảo đảm an toàn cho ngư­­­ dân, tàu thuyền đánh cá trên biển mới cho ra khơi đánh bắt. Các huyện miền núi bổ sung, hoàn thiện phư­­­ơng án sơ tán dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; phương án bảo đảm an toàn cho các hồ, đập. Tuyên truyền cho dân cư­­­ đang sống ở vùng trũng thấp, ven sông suối, chân đồi, s­ườn núi dốc biết nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để cảnh giác đề phòng và sẵn sàng di chuyển khi có lệnh. Các công ty khai thác công trình thủy lợi, địa phương cần có phương án chuẩn bị phòng, tránh lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, vật tư và hậu cần tại chỗ) thật chi tiết, bảo vệ an toàn cho từng hồ chứa nước cụ thể, đặc biệt đối với các hồ, đập đang thi công dở dang và hồ xuống cấp nghiêm trọng trong mọi tình huống. Thường xuyên kiểm tra hồ, đập để phát hiện hư hỏng, tùy theo mức độ hư hỏng, không có khả năng tích nước thì không được tích nước hoặc chỉ tích một phần nước. Cần nâng cao cảnh giác, sơ tán dân sống gần những con đập có nguy cơ vỡ.

Về lâu dài, các địa phương cần tích cực trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo đảm cân bằng sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, giữ nguồn nư­ớc cho các hồ, đập phục vụ sản xuất và dân sinh, hạn chế lũ ống, lũ quét.


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 32353


Các tin khác:
 Hiệu quả mô hình nuôi chạch lấu (25/09/2020)
 Tài liệu Hội thi sáng tạo (28/07/2020)
 Thanh Hóa xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (25/04/2020)
 Thành công bước đầu từ công nghệ cắt ghép cây ăn quả (23/03/2020)
 Lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến (18/03/2020)
 Hội nghị giới thiệu phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn (14/07/2019)
 Kỹ thuật nuôi cá 'hot' nhất hiện nay (03/07/2019)
 Biện pháp xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP bằng phương pháp đốt (03/07/2019)
 Quy trình sản xuất giá thể mạ khay và phương pháp sản xuất mạ khay (03/07/2019)
 Một số tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất rau (27/06/2019)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang