Số lượt truy cập
Hôm nay 25292
Hôm qua 58866
Tuần này 188862
Tháng này 3226688
Tất cả 193022272
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 17/09/2020
Bài 1: Nông nghiệp Thanh Hóa trên con đường hội nhập

Tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là “Việt Nam thu nhỏ”, với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, diện tích đất trồng lúa lớn nhất khu vực miền Bắc; các sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng mang đặc trưng của miền núi, trung du và đồng bằng. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp tỉnh, Thanh Hóa đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tích tụ, tập trung đất đai, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, đến thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để bắt kịp với xu hướng hiện đại.

Nông nghiệp hiện đại được hiểu là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Ở nhiều nước trên thế giới, nông nghiệp hiện đại hiện nay không chỉ dừng lại ở việc sử dụng máy móc, kỹ thuật thâm canh trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, hoặc chế biến sản phẩm nông nghiệp, mà đã tiến tới việc ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và “Canh tác số hóa” vào quá trình sản xuất. 

Mô hình trồng riềng tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Công Liêm (Nông Cống)

Ở đất nước Nhật Bản, tất cả các hoạt động trồng trọt đều được áp dụng công nghệ với máy xới đất, máy cày, máy thu hoạch, hệ thống tưới tiêu tự động... Nhà kính được xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế với nhiệt độ cho rau màu phát triển tốt. Chăn nuôi được thực hiện theo phương pháp tiên tiến, các trang trại luôn được vệ sinh sạch sẽ và được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, cả quy trình đều được thực hiện khép kín ngay từ khâu sản xuất con giống đến đưa sản phẩm ra thị trường. Hay như ở Israel, một đất nước có tới 70% diện tích là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc. Thế nhưng nhờ công nghệ xử lý đất, xử lý nước, hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn hảo, hệ thống nhà lưới, nhà kính hiện đại mà nơi đây đã tạo nên “kỳ tích” trong phát triển nông nghiệp, với giá trị xuất khẩu nông sản lên tới 3 tỷ USD mỗi năm.

Ở Việt Nam, trong thập niên trở lại đây, những thành tựu của nền nông nghiệp hiện đại thế giới cũng đã và đang được du nhập và áp dụng vào sản xuất. Theo đó, các giống cây trồng, con nuôi năng suất, chất lượng cao, thích ứng với khí hậu đưa vào sản xuất. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng đồng bộ, tự động hóa. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, GlobalGAP...) được phổ biến, nhân rộng. Rồi những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cũng đang dần được du nhập và ứng dụng ngày càng rộng rãi... Những điều này đã và đang tạo ra bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp và những sản phẩm nông nghiệp an toàn, phù hợp với xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là “Việt Nam thu nhỏ”. Bởi có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, diện tích đất sản xuất nông nghiệp có tới 909.766 ha, diện tích đất trồng lúa lớn nhất khu vực miền Bắc. Ngoài ra, còn là tỉnh có vùng lãnh hải rộng lớn với bờ biển dài 102 km và nguồn nhân lực dồi dào, với hơn 80% dân số chủ yếu làm nông nghiệp. Những tiềm năng này chính là nền tảng để tỉnh Thanh Hóa phát triển được 11 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó, có 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Đồng thời, cũng là tiền đề để phát triển nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại.

Để thực hiện lộ trình hội nhập, hàng loạt các giải pháp để tạo sự chuyển mình cho ngành nông nghiệp đã được triển khai thực hiện rộng rãi trên tất cả các địa phương, đơn vị, như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích tích tụ tập trung đất đai theo quy định của pháp luật để phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao. Tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân gắn với liên kết 5 nhà trong sản xuất nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn, hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường; thúc đẩy các dự án chăn nuôi quy mô lớn đang triển khai thực hiện. Liên kết, hợp tác trồng rừng tập trung quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của tỉnh; đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, đưa ngành nông nghiệp bắt kịp với xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại trong nước, khu vực và thế giới, ngay từ năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2745/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Đây thực sự là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển theo xu thế hiện đại của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Trong suốt gần một thập kỷ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể đã mạnh dạn đầu tư áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các loại cây trồng, như: Xây dựng nhà màng, nhà lưới để sản xuất các sản phẩm rau, quả, ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, bón phân qua nước... Có những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh bằng việc đưa mạng lưới thiết bị kết nối Internet vào quá trình điều khiển tưới thông qua thiết bị Smart phone hoặc một máy tính có kết nối Internet, như: mô hình sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu theo hướng công nghệ cao của Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Điện Trạch, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân).

Việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với hàng trăm mô hình có quy mô từ 1.000m2 trở lên. Nhờ đó, tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản lợi nhuận đạt tới hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói là có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định và có không ít sản phẩm đã được xuất khẩu.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song sự phát triển của ngành nông nghiệp Thanh Hóa vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, mới đạt ở mức trung bình khá. Bởi, cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu để giới thiệu, quảng bá và cạnh tranh trên thị trường. Một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, kéo dài thời gian nhưng chưa có biện pháp, giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Công tác tích tụ, tập trung đất đai còn chậm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến còn hạn chế.

Những vấn đề trên đã và đang là rào cản để ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát triển quy mô lớn, công nghệ cao. Do đó, để bắt kịp xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp trong nước và vươn tầm khu vực, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hướng ngoại, như: Tích cực khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực của tỉnh; đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua các hội chợ triển lãm nông nghiệp lớn trong tỉnh, trong nước; các hoạt động kết nối cung cầu của các địa phương theo chuỗi liên kết; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các giải phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Và một trong số những giải pháp đang được ngành nông nghiệp chú trọng thực hiện đó là tích tụ đất đai, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 31356


Các tin khác:
 Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 5 (17/09/2020)
 Tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (16/09/2020)
 Công điện khẩn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang tiến vào Biển Đông (16/09/2020)
 Phương án tuyển dụng viên chức Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu năm 2020 (15/09/2020)
 Phương án tuyển dụng viên chức Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh năm 2020 (15/09/2020)
 Phương án tuyển dụng viên chức chi cục Kiểm lâm năm 2020 (15/09/2020)
 Thông báo về việc bổ sung chuyên ngành xét tuyển viên chức năm 2020 tại Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa (14/09/2020)
 Bố trí lâu dài 4 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa (03/09/2020)
 Tuyển dung viên chức và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP cho các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT THanh Hóa năm 2020 (01/09/2020)
 Hội nghị Đánh giá kết quả sản xuất vụ đông năm 2019 và triển khai kế hoạch vụ đông năm 2020 các tỉnh phía Bắc (01/09/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang