Số lượt truy cập
Hôm nay 18425
Hôm qua 58866
Tuần này 181995
Tháng này 3219821
Tất cả 193015405
Browser   (Today) Chi tiết >>
Chủ nhật, 15/08/2021
Khơi mở tiềm năng phát triển ngành thủy sản: Bài 2 - Tạo “cú huých” để phát triển bền vững

Để thủy sản phát triển thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao và bền vững, rất cần “cú huých” để các địa phương ven biển phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng CNH, HĐH.

Trong những năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các dự án của các tổ chức quốc tế và của tỉnh, các địa phương ven biển đã được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng NTTS. Tiêu biểu là, hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án: Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa (quy mô 50 triệu con giống/năm), khu NTTS Hoằng Phong (Hoằng Hóa), vùng NTTS Đông - Phong - Ngọc (Hà Trung); khu neo đậu tránh trú bão Lạch Trường (Hoằng Hóa), khu neo đậu tránh trú bão sông Lý (Quảng Xương), cơ sở hạ tầng vùng NTTS các xã Minh Lộc và Hòa Lộc (Hậu Lộc), đầu tư 2 bến cá Hoằng Phụ và Hải Châu... Thông qua các cơ chế, chính sách phát triển thủy sản; khuyến ngư, hỗ trợ con giống, vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật... tạo động lực cho ngư dân sản xuất. Bên cạnh đó, việc đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực thủy sản cũng tăng nhanh và xuất hiện nhiều mô hình khai thác, NTTS, chế biến thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình phát triển nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi trong nhà màng, nuôi bể... đối với tôm thẻ chân trắng; nuôi tôm hùm, cá giò ở khu vực biển Hòn Mê; đa dạng hóa đối tượng nuôi trong nuôi nước lợ... Nhân giống và đưa vào sản xuất một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: tôm sú, cua xanh, ngao Bến Tre, cá lăng chấm, cá dốc, cá bống bớp, hàu Thái Bình Dương...

è mảng tham gia khai thác hải sản vẫn chiếm tỷ lệ cao ở các địa phương ven biển trong tỉnh.

Xác định Tôm là một trong những con nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển được 4.100 ha (tôm sú 3.600 ha, tôm thẻ chân trắng thâm canh 500 ha), sản lượng 8.500 tấn/năm. Để từng bước xóa bỏ tình trạng nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh, các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương... đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các vùng nuôi tôm tập trung. Các vùng từng bước áp dụng nuôi tôm theo hướng VietGAP, nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư mái che, áp dụng công nghệ biofloc, nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm trong bể xi măng, cho năng suất cao hơn 20 - 30% so với hình thức nuôi bình thường... Đa phần các ao nuôi 2 vụ/năm, một số nơi luân canh tới 3 vụ/năm, năng suất bình quân 20 tấn/ha/năm, mang lại lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/ha/năm.

Trong khai thác biển, toàn tỉnh đã phát triển được 1.290 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tham gia khai thác hải sản ở các vùng biển khơi xa. Hình thức tổ chức khai thác trên biển được cơ cấu lại theo hướng liên kết các tổ, nhóm, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ như trước đây. Nhiều tàu cá khai thác hải sản xa bờ đã chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, như: Ứng dụng máy dò cá Sona cho nghề lưới vây, lưới kéo; đèn LED trong nghề chụp mực; trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa VX1700 kết nối định vị vệ tinh; trang bị hầm bảo quản sản phẩm cách nhiệt bằng vật liệu PU... Gần đây, với sự mạnh dạn đầu tư của ngư dân, nhiều tàu cá công suất lớn trong tỉnh đã đăng ký giấy phép khai thác ở vùng biển phía Nam, vươn tới ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, đến nay ngư dân trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 389 tổ đoàn kết trên biển, với 1.975 tàu cá và 14.294 lao động tham gia. Vì vậy, sản lượng khai thác biển hàng năm đạt từ 120.000 - 130.000 tấn hải sản. Đạt được kết quả đó, có sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh trong công tác tổ chức thực hiện sản xuất, chú trọng hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao năng lực tàu thuyền theo hướng hiện đại để vươn khơi khai thác hải sản xa bờ.

Để tạo ra những “cú huých” cho ngành thủy sản phát triển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Dự án “Phát triển thủy sản bền vững” tỉnh Thanh Hóa; kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025... nhằm mục tiêu xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất tốt theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thủy sản là một ngành kinh tế lớn của tỉnh, với đội tàu khai thác hải sản xa bờ lớn. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng nghề cá của tỉnh được đầu tư từ rất sớm, nên xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, mỗi khi ngư dân đưa nguồn lợi thủy sản về không cập cảng được do luồng lạch bồi lắng. Để bảo đảm cho ngư dân ra khơi thuận lợi, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, UBND tỉnh xây dựng dự án và đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cấp Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn). Đồng thời, kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện đầu tư nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng 7 vùng NTTS nước lợ, với 1.346 ha ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương..., từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần hạn chế, giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao hiệu quả NTTS được nâng lên.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thủy sản, cần sớm xây dựng, ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Thanh Hóa phù hợp với quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11-3-2021. Trước mắt, tập trung nâng cấp đội tàu, phát triển khai thác vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác vùng lộng và ven bờ đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Sắp xếp cơ cấu nghề khai thác, lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản và đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khai thác hải sản; củng cố, phát triển các tổ, đội, HTX trong khai thác hải sản; ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo quản sau thu hoạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá, nhằm giám sát có hiệu quả hoạt động của tàu cá trên biển, chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro, thiên tai trên biển. Bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tiếp tục phát triển NTTS, nhất là các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch, xây dựng vùng nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành NTTS tốt (GAP) để phục vụ chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ chế biến thủy sản; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng yêu cầu chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, kết cấu hạ tầng vùng NTTS tập trung, trung tâm sản xuất giống của tỉnh. Hình thành các trung tâm nghề cá tại các vùng trọng điểm trong tỉnh; thực hiện nạo vét luồng lạch, khắc phục bồi lắng tại các cửa lạch ra, vào cảng cá, âu tránh trú bão.

Nhiệm vụ mục tiêu đặt ra cho ngành thủy sản là rất nặng nề, nhưng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đồng thời được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố và ngư dân trong tỉnh, tin tưởng rằng ngành thủy sản sẽ khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 22206


Các tin khác:
 Khơi mở tiềm năng phát triển ngành thủy sản: Bài 1 - Tiềm năng còn bỏ ngõ (15/08/2021)
 Quyết liệt thực hiện các giải pháp gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (10/08/2021)
 Sản lượng tôm toàn tỉnh đạt 3.000 tấn (23/07/2021)
 Ngư dân tích cực khai thác vụ cá Nam (23/06/2021)
 Bảo vệ con nuôi thủy sản trong mùa nắng nóng (05/06/2021)
 Xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản và các hành vi vi phạm khác qua hệ thống giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (05/06/2021)
 Tích cực thực hiện Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển (01/06/2021)
 Khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển bền vững ngành thủy sản (30/05/2021)
 Để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển (30/05/2021)
 Nâng cao năng lực khai thác và chế biến thủy, hải sản (17/05/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang