Số lượt truy cập
Hôm nay 38288
Hôm qua 39190
Tuần này 142992
Tháng này 3180818
Tất cả 192976402
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ bảy, 05/06/2021
Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững: Cơ chế, chính sách khuyến khích - động lực để phát triển chăn nuôi

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đã góp phần tạo động lực để ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng có bước phát triển khá toàn diện, chuyển dần sang quy mô lớn và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững.

Với những ưu điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật và thị trường tiêu thụ, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có tiềm năng để phát triển chăn nuôi. Những năm trước đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu... Đó là giai đoạn ngành chăn nuôi chưa có được sự định hướng, cơ chế, chính sách, nhất là nguồn lực đầu tư để kích cầu, phát triển... Một dấu mốc quan trọng làm thay đổi diện mạo, tạo cú hích lớn cho phát triển của ngành chăn nuôi Thanh Hóa, chính là Quyết định 271/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh vào năm 2011. Bởi, từ khi quyết định này được triển khai thực hiện, ngân sách tỉnh đã trích 135,4 tỷ đồng hỗ trợ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và đã có 575 trang trại chăn nuôi ra đời, hình thành tư duy phát triển cho người dân và mở ra hướng phát triển hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, là cơ sở pháp lý quan trọng để nhiều đề án, giải pháp phát triển chăn nuôi mới được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Toàn cảnh Trang trại chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa tại huyện Thạch Thành

Từ năm 2016 đến nay, hàng chục cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp đã được tỉnh ban hành, triển khai thực hiện và bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Nổi bật chính là cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 và Nghị quyết số 191/NQ-HĐND ngày 16-10-2019 của HĐND tỉnh. Trong đó, chính sách hỗ trợ hạ tầng khu trang trại tập trung quy mô lớn và quy định hỗ trợ 100% kinh phí, không quá 3 tỷ đồng/khu đối với miền xuôi và 3,5 tỷ đồng/khu đối với miền núi; tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng đến chân hàng rào khu trang trại chăn nuôi tập trung được quy hoạch trong quy hoạch xã nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho 34 khu trang trại tập trung quy mô lớn, với tổng kinh phí hơn 105,4 tỷ đồng. Chính sách đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển, tạo ra những sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, hằng năm các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ, tạo điều kiện để có thêm nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng, xử lý môi trường, từng bước cải thiện chỉ số kinh tế, kỹ thuật cho đàn lợn, đàn gia cầm gốc, theo Nghị quyết 152/2015/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020, tổng mức kinh phí hỗ trợ hơn 11,18 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương đã ban hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 (nay là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018); chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4-9-2014 và lồng ghép kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất chăn nuôi.

Được đánh giá là một trong những địa phương phát triển toàn diện về nông nghiệp, hiện huyện Yên Định có 3 khu trang trại tập trung bảo đảm yêu cầu và được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, tại các xã Định Hòa, Yên Lâm, Yên Phú. Anh Lê Văn Nhất, xã Định Hòa, là một trong 6 hộ dân tiên phong xây dựng trang trại tập trung trên vùng quy hoạch của xã. Sau khi bảo đảm các tiêu chí về quy mô, diện tích, hiệu quả kinh tế bình quân/năm, khu trang trại rộng gần 10 ha thuộc thôn Thông Thôn được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, tổng kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng. Anh Nhất cho biết: Để hỗ trợ các hộ phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, UBND huyện Yên Định thường xuyên động viên, tạo điều kiện về đất đai, hỗ trợ xây dựng đường giao thông bằng bê tông xi măng vào tận khu sản xuất để các hộ thuận lợi lưu thông, vận chuyển thức ăn, con giống và tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, tạo cơ sở để các hộ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị và bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh đã được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình, triển khai thực hiện có hiệu quả. Một trong những kết quả ấy phải kể đến hiệu quả trong thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, như: Vinamilk đầu tư trang trại bò sữa quy mô 16.000 con, TH đầu tư dự án bò sữa 20.000 con, Công ty CP Chăn nuôi Bá Thước đầu tư chăn nuôi bò thịt chất lượng cao với quy mô 10.000 con bò Úc, Tập đoàn Master good (Hung-ga-ri) đầu tư dự án chăn nuôi và giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu... Tính đến hết tháng 5-2021, toàn tỉnh đã có 124 doanh nghiệp và HTX đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; trong đó, đa phần áp dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất quy mô lớn và vừa, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, tác động không mong muốn của thị trường, song có thể nói, với những cơ chế, chính sách của tỉnh đã được ban hành, áp dụng, trong giai đoạn 2016-2020, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước. Tiêu biểu, như: đàn bò thịt chất lượng cao 70.200 con, tăng 66.980 con so với năm 2015; đàn lợn hướng nạc 550.000 con, tăng 285.100 con so với năm 2015; toàn tỉnh phát triển được hơn 40 trang trại nuôi lợn hướng nạc, quy mô từ 1.000 đến 5.000 con/lứa; đàn gà lông màu hơn 8 triệu con, tăng 3 triệu con so với năm 2015... Qua đó, giá trị sản xuất chăn nuôi hằng năm đạt gần 7.000 tỷ đồng, chiếm 32% tỷ trọng sản xuất của ngành nông nghiệp.

Không thể phủ nhận, những con số tăng trưởng về tổng đàn, giá trị kinh tế, khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi... kể trên, đã góp phần phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh theo hướng bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp đặt ra 5 chỉ tiêu về phát triển chăn nuôi, nhưng có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu đạt kế hoạch và chỉ tiêu về phát triển đàn bò sữa không hoàn thành kế hoạch do các dự án phát triển bò sữa gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng... Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Như Xuân có tiềm năng về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực... để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Tuy nhiên, khi những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp (trong đó có chăn nuôi) được triển khai thì chỉ một số ít tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện để thụ hưởng. Một phần là do việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách của tỉnh đến những đối tượng có khả năng đầu tư chưa được địa phương triển khai hiệu quả. Ngoài ra, một số HTX, cá nhân, doanh nghiệp có thông tin về chính sách nhưng khi lập dự án đầu tư, việc xác định chiến lược phát triển thiếu thực tế..., dẫn đến hồ sơ dự án sơ sài, thiếu thuyết phục. Bên cạnh đó, sự lúng túng, thiếu đồng bộ trong hỗ trợ việc lập hồ sơ dự án của các cơ quan liên quan dẫn đến hồ sơ chưa đúng nội dung, đối tượng, định mức đề nghị được hỗ trợ... Do đó, trên địa bàn huyện chủ yếu người chăn nuôi mới tiếp cận với các chính sách hỗ trợ giống vật nuôi, chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và chỉ có 1 khu trang trại đáp ứng các tiêu chí, được thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ hạ tầng khu trang trại tập trung quy mô lớn.

Vận dụng những cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tạo chuyển biến rõ nét cả về tổ chức sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Thực tế sản xuất cho thấy, bên cạnh những đơn vị đầu tư, phát triển chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thì có hàng chục doanh nghiệp, đơn vị đã và đang vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách để đầu tư, nghiên cứu phát triển con giống, tạo nền tảng bền vững nhằm phát triển ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 43412


Các tin khác:
 Chăn nuôi an toàn sinh học vượt qua “bão” dịch bệnh (11/05/2021)
 Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Như Xuân (10/05/2021)
 Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu, bò đạt hơn 96% (06/05/2021)
 Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn (29/04/2021)
 Thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi năm 2021 (22/04/2021)
 Thanh Hóa nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh viên da nổi cục trên trâu bò (22/04/2021)
 Giải pháp cho chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi (22/04/2021)
 Thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh (15/04/2021)
 Tiêm phòng khẩn cấp vắc - xin phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh (15/04/2021)
 Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (08/04/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang