Hoạt động này đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy các hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách hiệu quả.

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, các huyện, thị, thành và cơ sở hội trong tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 300.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân, tổ chức 120 cuộc hội thảo đầu bờ cho gần 7.000 lượt người tham gia. Nhiều huyện đã chủ động liên kết với các trung tâm nghiên cứu, các viện, các doanh nghiệp phối hợp chuyển giao ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, gắn phát triển sản xuất theo hướng bền vững với bảo vệ môi trường, đưa các giống cây, con năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Điển hình như Hội Nông dân các huyện: Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Thạch Thành, Thọ Xuân, Sầm Sơn, Quan Sơn, Mường Lát ...

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm hỗ trợ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mở lớp tập huấn sử dụng phân bón Ka ly Canada cho 200 cán bộ, hội viên, nông dân huyện Hoằng Hóa; phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Công ty TNHH Emzyma mở 1 lớp tập huấn về chế phẩm Biowish cho 190 người tham gia, 4 lớp tập huấn về sử lý phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi để chế biến phân bón hữu cơ sinh học. Hội chỉ đạo thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm Biowish trong chăn nuôi tại huyện Nga Sơn và Nông Cống, trong trồng rau tại huyện Hoằng Hóa, trong trồng ngô tại huyện Thọ Xuân.

Cùng với việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các huyện, thị, thành và cơ sở hội trong tỉnh còn tổ chức đi thăm quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế, qua đó giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn đưa các giống cây, có năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi ở các địa phương. Theo đó, Hội Nông dân thị xã Sầm Sơn phối hợp Phòng Kinh tế UBND thị xã xây dựng đề án trồng rau sạch tại xã Quảng Hùng, thị xã Sầm Sơn; tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân thăm quan học tập kinh nghiệm các mô hình trọng điểm về trồng rau sạch, an toàn tại Hợp tác xã nông nghiệp Hoàng Hợp, huyện Hoằng Hóa và Hợp tác xã nông nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa. Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham quan mô hình tích tụ ruộng đất, cho thuê đất và sản xuất rau an toàn tại thị trấn Vạn Hà. Hội Nông dân huyện Thạch Thành, Quan Sơn tổ chức cho cán bộ hội và các gia đình sản xuất kinh doanh giỏi đi thăm quan các mô hình kinh tế, cải tạo vườn tạp tại các huyên Yên Định, Tĩnh Gia, Như Thanh...

Ông Hoàng Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết: Giai đoạn 2016-2020, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với Sở Khoa học công nghệ về hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất cho nông dân. Mục tiêu là hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là đối với cây trồng, con nuôi có lợi thế, hướng tới sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao./