Số lượt truy cập
Hôm nay 18760
Hôm qua 58866
Tuần này 182330
Tháng này 3220156
Tất cả 193015740
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ ba, 01/11/2016
GIÁ TRỊ CÁC LOÀI LAN QUÝ HIẾM TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN XUÂN LIÊN, THANH HÓA

1. Đặt vấn đề

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nằm trên khu vực chuyển tiếp của 2 vùng sinh thái Tây Bắc và Bắc Trung bộ do đó có tính đa dạng sinh học cao. Hệ thực vật ở đây khá giàu về thành phần loài: đã ghi nhận được 1.142 loài thực vật bậc cao (thuộc 620 chi, 180 họ), 38 loài thực vật quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, trong đó 35 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 12 loài ghi trong Danh lục Đỏ IUCN (2012), 8 loài có tên trong Nghị Định 32/2006/NĐ-CP. Xuân Liên là khu bảo tồn nằm trong khu vực có khí hậu gió mùa quanh năm ẩm ướt, địa hình nơi đây có nhiều dãy núi cao trên 1.000m đã tạo ra vùng tiểu khí hậu đặc trưng cho sự tồn tại của kiểu rừng thường xanh Á nhiệt đới, là điều kiện lý tưởng cho các loài Lan sinh sống. Theo thống kê sơ bộ, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên có 20 loài Lan, trong đó có nhiều loài quý hiếm, loài có giá trị kinh tế cao như Kim tuyến trung bộ, Lan hoàng thảo, Vệ hài,... Tuy nhiên, hiện nay tại khu bảo tồn chưa có nghiên cứu, đánh giá chi tiết nào về hiện trạng phân bố, giá trị sử dụng – bảo tồn của chúng để có cơ sở dữ liệu phục vụ công tác bảo tồn bền vững các loài Lan tự nhiên có phân bố trong Khu bảo tồn.

Hiện nay do nhu cầu thị trường và nguồn lợi kinh tế từ những giá trị của các loài Lan mang lại, đặc biệt là giá trị của nguồn Lan rừng tự nhiên có công dụng làm thuốc biệt dược chữa các bệnh nan y (Kim tuyến trung bộ). Bên cạnh đó, nhu cầu chơi Lan nguồn gốc từ tự nhiên của nhân dân ngày càng gia tăng, cộng thêm thực trạng nghèo đói, thiếu việc làm và cuộc sống còn phụ thuộc nhiều vào nguồn lợi từ rừng của người dân vùng núi đang là nguyên nhân trực tiếp làm suy giảm quá mức tài nguyên các loài Lan phân bố tự nhiên; đặc biệt nhiều loài quý hiếm, loài có giá trị kinh tế cao trên địa bàn Khu BTTN Xuân Liên nói riêng và trong tỉnh Thanh Hóa nói chung. Vì vậy, nhằm điều tra thực trạng để từ đó đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát triển những loài Lan có quý hiếm, có giá trị kinh tế cao trong vùng, thì việc điều tra tính đa dạng các loài Lan, đặc điểm phân bố và đặc điểm sinh thái học một số loài Lan quý hiếm tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa là công việc cấp thiết có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

2. Hiện trạng các loài họ Lan tại KBTTN Xuân Liên

2.1. Đặc điểm về thành phần loài

Kết quả điều tra, nghiên cứu các loài Lan đã thống kê được 85 loài thuộc 38 chi phân bố tại Khu bảo tồn, trong đó các chi Tai dê (08 loài), chi Lan lenvà chi Hoàng thảo (07 loài), chi Lan lọng (06 loài), Chi Calanthe, chi Cleisostoma, chi Corymborkis, chi Lan kiếm có 04 loài,… Các loài đều có mẫu vật và ảnh làm cơ sở dữ liệu tại Vườn. Đối với họ Lan, kết quả nghiên cứu bước đầu có thể khẳng định rằng đây là tư liệu đầy đủ nhất từ trước tới nay đối với họ Lan tại khu BTTN Xuân Liên. Nghiên cứu đã bổ sung cho khu bảo tồn 03 loài trước đây chưa từng được ghi nhận, đó là: Liparis pumila Aver., Liparis filiformis Aver., Eria calcicola Aver.

2.2. Giá trị bảo tồn và phân bố các loài Lan quý hiếm tại Khu bảo tồn

a. Giá trị bảo tồn

Kết quả nghiên cứu cho thấy Khu BTTN Xuân Liên có 05 loài Lan quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, trong đó có 02 loài thuộc nhóm IA, nghị định 32/2006/NĐ-CP; Sách đỏ Việt Nam 02 loài ở cấp EN, 02 loài cấp VU (bảng 3.1)

 Bảng 3.1: Hiện trạng các loài Lan quý hiếm tại khu BTTN Xuân Liên

TT

Loài

Hin trng Bo Tn

IUCN, 2012

Sách  đỏ Vit Nam, 2007

Nghị định

32/2006/NĐ-CP

1

Kim tuyến trung bộ - Anoectochilus annamensisAver.

 

IA

2

Lan hài lông - Paphiopedilum hirsutissimum(Lindl. ex Hook.) Stein.

VUA1c,d+A2d

IA

3

Thủy tiên hường (Kiều tím) -Dendrobium amabile O’Brien.

EN B1+2e+3d

 

4

Ngọc vạn vàng (Phi điệp vàng) - Dendrobium chrysanthumLindl.

EN B1+2e+3d

 

5

Kim điệp (Hoàng thảo long nhãn) - Dendrobium fimbriatumHooker.

VU B1+2e+3d

 

 
Chú thích:      Nguy cấp: EN;Sẽ nguy cấp VU; Rất nguy cấp: CR [3]

IA: Thực vật rừng, động vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử

dụng vì mục đích thương mại [4]

3. Đặc điểm hình thái, vật hậu của một số loài Lan quý hiếm tại KBTXuân Liên

3. 1. Kim tuyến trung bộ

Tên Việt Nam: Kim tuyến trung bộ

            Tên khoa học: Anoectochilus annamensis Aver.

Họ thực vật: Họ Lan (Orchidaceae)

Hình: Kim tuyến trung bộ phân bố tự nhiên tại tại Bản Vịn (Xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân) và trồng tại Vườn sưu tập lan của KBTTN Xuân Liên

a) Hình thái:

Kim tuyến trung bộ là cây thân thảo, mọc ở đất, có thân rễ mọc dài thân trên đất mọng nước, mang các lá mọc xòe sát đất.

* Đặc điểm thân rễ: Thân rễ nằm ngang sát mặt đất, đôi khi hơi nghiêng, bò dài. Chiều dài thân rễ từ 5 – 12cm, trung bình là 7,87 cm. Đường kính thân rễ từ 3-4mm, trung bình là 3,17mm. Chiều dài lóng từ 1-6cm. Thân rễ thường có màu trắng xanh, đôi khi có màu nâu đỏ, thường nhẵn, không phủ lông.

* Đặc điểm thân khí sinh: Thường mọc thẳng trên mặt đất, ít khi mọc nghiêng. Chiều dài thân khí sinh từ 4-8cm. Đường kính thân khí sinh từ 3-5mm, thân khí sinh mang nhiều lóng, các lóng có chiều dài khác nhau, số lóng trên thân khí sinh thay đổi từ 2-4. Chiều dài mỗi lóng từ 1-4cm. Thân khí sinh thường mọng nước, nhẵn, không phủ lông; thường có màu xanh trắng, đôi khi có màu hồng nhạt.

* Đặc điểm rễ: Rễ được mọc ra từ các mấu trên thân rễ. Đôi khi rễ cũng được hình thành từ thân khí sinh. Rễ thường đâm thắng xuống đất. Thông thường mỗi mấu chỉ có 1 rễ, đôi khi cũng có vài rễ cùng được hình thành từ một mấu trên thân rễ. Số lượng và kích thước rễ cũng rất thay đổi tùy theo cá thể. Số rễ trên một cây thường 3- 10 rễ, chiều dài rễ từ 0,5-8cm.

* Đặc điểm lá: Lá mọc cách xoắn quanh thân, xòe trên mặt đất. Lá hình trứng, gần tròn ở  gốc, đầu lá hơi nhọn và có mũi ngắn, thường dài từ 3-5cm, rộng từ 2-4cm. Lá có màu nâu đỏ ở mặt rên và phủ lông mịn như nhung. Hệ gân lá mạng lưới lông chim, thường có 5 gân gốc. Các gân này thường có màu hồng ở mặt trên và nổi rất rõ. Đôi khi gân ở giữa có màu vàng nhạt. Mặt dưới lá có màu nâu đỏ nhạt, nhẵn với 5 gân gốc nổi rõ. Các gân bên ở phía rìa lá nổi rõ, gân ở giữa lá ở mặt dưới không rõ. Cuống lá dài 0,6 -1,2cm, thường nhẵn và có màu trắng xanh, đôi khi hơi đỏ tía ở bẹ lá. Bẹ lá nổi rõ và nhẵn. Số lá trên một cây thay đổi từ 2-6 lá thông thường là 4 lá. Kích thước các lá cũng thay đổi, các lá trên một cây thường có kích thước khác nhau rõ rệt.

* Đặc điểm của hoa, quả: Cụm hoa dài 10 -20cm, ở ngọn thân, mang 4-10 hoa mọc thưa. Lá bắc hình trứng, dài 6-10mm, màu hồng. Các mảnh bao hoa dài khoảng 6mm; cánh môi màu trắng dài đến 1,5cm, mỗi bên gốc mang 6-8 dải hẹp, đầu chẻ đôi. Mùa hoa tháng 10 -12. Mùa quả chín tháng 12-3 năm sau.

b) Sinh thái

Mọc rải rác trong rừng núi đá vôi, nơi ẩm, dọc theo khe suối, ở độ cao 300 - 1000 m. Cây ưa bóng, kị ánh sáng trực tiếp. Kim tuyến trung bộ chủ yếu mọc trên đất, thậm chí ngay trên lớp thảm mục của rừng đang phân huỷ. Đôi khi chúng mọc trên các tảng đá ẩm, trên các đoạn thân cây gỗ mục, trong gốc cây. Có thể gặp Kim tuyến trung bộ ở trong rừng nơi ẩm ướt, ven các khe suối, dưới tán rừng cây gỗ lớn, hoặc dưới rừng trúc, rừng sặt, trên đường mòn đi lại trong rừng. Kim tuyến trung bộ thường phân bố nơi đất giàu mùn, tơi xốp, thoáng khí, thoát nước, giầu nitơ và kali, chịu được đất nghèo lân và chua, có thể sinh trưởng tốt trên các loại đất có thành phần cơ giới nặng.

c) Khả năng tái sinh:

Khả năng tái sinh tự nhiên thấp, do Kim tuyến trung bộ mọc rải rác. Tái sinh từ chồi.

d) Tổ thành các loài cây đi kèm:  

Tại KBT Xuân Liên Kim tuyến trung bộ thường phân bố ở kiểu rừng kín thường xanh chủ yếu là cây lá rộng nhiệt đới. Kiểu rừng này phân bố từ độ cao 800m đến 1600m, nhiều nhất ở Bù Ban phía nam Bản Vịn và một diện tích nhỏ phía Tây Nam bản Vịn, chiếm 7,49% tổng diện tích KBT. Thực vật chiếm ưu thế là các loài cây lá rộng thuộc các họ Dẻ (Fagaceae), họ Long não (Lauraceae), họ Thầu dầu (Euphoribiaceae), họ Đậu (Leguminoisae), họ Ngọc lan (Magnoliaceae), họ Sến (Sapotaceae). Trong đó phải nói đến các loài cây đóng vai trò lập quần như Cà ổi (Castanopsis indica), Sói (Lithocarpus dussaudi), Dẻ đá (Lithocarpus coatilus), Dẻ cau (Quercus fleuhy) thuộc họ Dẻ hay loài Phân mã (Archidendron tonkinense) thuộc họ Đậu, một số loài trong chi Re (Cinnamomum) thuộc họ Long não và các loài gỗ tốt thuộc họ Ngọc lan như: Vàng tâm (Manglietia dandyi, Manglietia fordiana), Giổi thơm (Tsoongiodendron odorum). Ở các đỉnh núi cao trên 1200m vai trò lập quần thuộc về loài Dẻ lá tre (Quercus bambusaefolia), Phân mã, Re, Côm tầng (Elaeocarpus dubilus), Giổi,. Cũng ở độ cao này, đáng lưu ý là Pơ mu (Fokonia hodginsii). Ngoài ra, ngoại tầng còn có các loài dây leo như Kim cang (Smilax), Dất mèo (Uvaria) và một số loài cây trong họ Chùm gửi (Loranthaceae),…ở kiểu rừng này có độ tàn che tương đối cao của các loài cây gỗ, độ ẩm cao một trong các sinh cảnh lý tưởng của các loài Lan phân bố Lan gấm, Hoàng thảo, Quế lan hương...

3.2. Lan hài lông

Tên Việt Nam: Lan hài lông

Tên khoa học: Paphiopedilum hirsutissimum (Lindl. ex Hook.) Stein.

Họ thực vật: Họ Lan (Orchidaceae)

Hình:  Lan Hài lông phân bố tự nhiên tại Bản Vịn (Xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân)

a) Hình thái:

Cây cỏ mọc trên đất hoặc trên đá với 5- 7 lá xế thành 2 hàng, mọc thành đám. Lá hình lưỡi dài hẹp, tù hoặc có 2 thùy tù không đối xứng ở chóp, dài tới 45 cm, rộng 1,5 -2cm, xanh, có đốm tía ở mặt gần dưới gần gốc. Cụm hoa có 1 hoa (rất ít khi có 2 hoa); cuống dài 17 - 25cm, phủ lông dài dày đặc, mọc trong một bao dạng lá màu xanh dài tới 11cm; lá đài vàng nhạt cho tới xanh nhạt, có nhiều đốm nâu tối, dày đặc gần như tới tận mép; cánh hoa vàng nhạt, đốm tía nâu ở nửa gốc, đốm tía nâu ở nửa gốc, đốm hồng tía ở nửa trên; môi vàng nhạt cho đến xanh ô liu nhạt, đốm tía – hồng; nhị lép vàng nhạt, đốm tía về gốc, nâu tối bóng về phía giữa; cuống hoa và bầu dài 5-7,5cm, phủ lông dài đen dày đặc. Lá đài hình trứng rộn cho tới trứng – bầu dục, tù hoặc lõm ở đỉnh, dài 1,8 (3)–4,5 (5,2) cm, rộng 1,8 (2,3)–4(4,5) cm với mép lượn sóng, có lông rìa. Lá đài hợp giống với lá đài lưng, dài 2,6 (5)–7(8) cm, rộng 1(1,3) – 2,5(3) cm xoắn lại ở nửa trên, thường lượn sóng ở mép về gốc, phủ lông tơ và lông rìa. Môi dài 1,8 (3)–4 (4,5) cm, rộng 1,2 (1,5)–2,2 (2,8) cm. Nhị lép gần hình vuông tù, lồi, dài khoảng 10mm, rộng 8mm. 2n = 26.

b) Sinh thái:

Lan hài lông mọc ở khu rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh, thường xanh, cây lá rộng, rừng hỗn giao và rừng cây lá kim trên núi đá vôi kết tinh bị bào mòn mạnh ở độ cao (350) 500 – 1100 (1250)m. Ở Việt Nam Lan Hài lông thường mọc trên đá, tạo thành từng đám lớn trên các vách đá hoặc sườn núi dựng đứng hoặc gần dựng đứng. Trong thảm thực vật  nguyên sinh, nó mọc nơi râm mát của các sườn ở bất kỳ hướng phơi nào. Nó gặp phổ biến trong các kẽ nứt và hốc đá vôi được phủ rêu, nơi mùn lá cây được tích lũy lại và đất giàu dinh dưỡng. Rễ bám vào các khe nứt hay kẽ hở một cách không chắc chắn, thậm chí còn hình thành cái rổ đựng mùn lá cây để làm giàu chất dinh dưỡng cho đất nơi nó mọc. Loại cây này có thể phát triển đến một kích cỡ đáng kể với 50 cá thể hoặc nhiều hơn. Những đám to, hiện chỉ còn sót lại trên vách đá cao mà những người thu hái Lan không thể tới được. Lá trải ra hoặc treo lủng lẳng và hoa thì gần như nằm ngang với bề mặt đá. Độ pH của loại đất bở bao quanh rễ dao động từ 7,5 – 7,86.

Thời gian nở hoa trong tự nhiên là từ tháng 3 – 5.

c) Khả năng tái sinh: Tái sinh bằng chồi và hạt.

d) Tổ thành các loài cây đi kèm:

Nơi sống của Lan hài lông còn có rất nhiều lan hài quý hiếm khác như Paphiopedilum dianthum, P. helenae. Những loài Lan mọc trên đất, trên đá và phụ sinh trên cây cũng rất phổ biến ở đây, đặc biệt như Aerides odorata, Bulbophylum purpureifolium, B. ambrosa, Dendrobium aduncum,…Các loài cây ưu thế là các cây lá rộng ở kiểu rừng này thường gặp như Burretiodendron hsienmu (Tiliaceae), Meliaaceae, Cinnamomum sp., Ficus spp. (Moraceae), Quercus sp. (Lauraceae),... những cây ở lớp Thông như Amentotaxus argotaenia, Calocedus macrolepis,…đôi khi cũng có mặt nhưng ở độ cao 900 -1000m. Rất nhiều loại mọc trên đá cũng có mặt ở đây đặc biệt các loài trong họ Acanthaceae, Araceae, Rubiaceae, Urtiaceae và các loài Cói, Dương xỉ bám đá.

4. Kết luận

Quá trình điều tra, nghiên cứu về tính đa dạng các loài Lan và đặc điểm phân bố, sinh thái học của các loài Lan quý hiếm tại Khu BTTN Xuân Liên chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:

1. Kết quả điều tra, nghiên cứu đã thống kê được 85 loài Lan, thuộc 38 chi phân bố tại Khu bảo tồn. Nghiên cứu đã bổ sung cho KBTTN 03 loài trước đây chưa từng được ghi nhận, đó là: Liparis pumila Aver., Liparis filiformis Aver., Eria calcicola Aver.

2. Hiện có 02 loài Lan quý hiếm là Lan hài lông (Paphiopedilum hirsutissimum (Lindl. ex Hook.) Stein.), Kim tuyến trung bộ (Anoectochilus annamensis Aver.). Trong đó cả 02 loài đều thuộc nhóm IA, Nghị định 32/2006/NĐ-CP; Sách đỏ Việt Nam 2007, 01 loài cấp VU.

3. Kết quả nghiên cứu cho thấy loài Lan hài lông có phạm vi phân bố hẹp và phân bố ở độ cao 800 m trở lên, loài Kim tuyến trung bộ có phạm vi phân bố rộng, nhiều trạng thái rừng và ở nhiều nhiều độ cao khác nhau từ 300 – 1000 m. Xây dựng được bản đồ phân bố cho 02 loài nàyphục vụ công tác quản lý, giám sát.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt:

1.     Nguyễn Tiến Bân (2005), Danh lục các loài thực vật Việt Nam, Tập III, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.

2.     Lê Đình Bích, Trần Văn Ơn (2007), Thực vật học, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

3.     Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2007), Sách Đỏ Việt Nam (phần thực vật), Nxb. Khoa học tự nhiên & Công nghệ, Hà Nội.

4.     Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2006), Nghị Định 32/2006/NĐ-CP về danh mục Thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định 18/HĐBT và Nghị Định 48/CP/2002, Hà Nội.

5.         Phạm Hoàng Hộ. 1999-2000, Cây cỏ Việt Nam, Nxb Trẻ TP. HCM.

6.         Trần Hợp (1993), Cây cảnh, hoa Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

7.         Trần Hợp (1998), Lan Việt Nam, Nxb Nông Nghiệp, Hà Nội.

8.     Leonid Averyanov, Phillip Cribb, Phan Kế Lộc, Nguyễn Tiến Hiệp (2004), Lan Hài Việt Nam, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội.

9.         Đỗ Tất Lợi (2001), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb. Y Học, Hà Nội.

10.BND tỉnh Thanh Hóa (2013), Báo cáo kết quả điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa.

11.Viện điều tra quy hoạch rừng (1999), Tổ chức bảo tồn chim quốc tế tại Việt Nam (BirdLife International), Dự án nghiên cứu khả thi thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa.

Tài liêu tiếng nước ngoài:

12.       Xing, F.W. et al. (2009), Landscape Plants of China (vol. 1-2). Huazhong University of Science and Technology Press. 

13.      Leonid V. Averyanov & Anna L. Averyanova, 2003, Updated checklits of the orchids of Viet Nam, Viet Nam Nationnal University Publising House, Ha Noi.

Tác giả: Nguyễn Đức Thắng - TP Khoa học & Hợp tác Quốc tế, Ban quản lý KBTTN Xuân Liên
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 35958


Các tin khác:
 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh làm việc với tỉnh Thanh Hóa về kết quả sản xuất vụ Thu Mùa năm 2016 và tiến độ sản xuất vụ Đông năm 2016-2017 (31/10/2016)
 Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức Luật Thú y (25/10/2016)
 Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2016 (20/10/2016)
 Triển lãm, giới thiệu các sản phẩm du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (22/09/2016)
 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT  (21/09/2016)
 Công đoàn Ngành Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thao CNVCLĐ chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Công đoàn Thanh Hóa. (16/09/2016)
 SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT - ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH THANH HOÁ KÝ KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP THAM GIA PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 – 2020 (16/09/2016)
 Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. (06/09/2016)
 Hội nghị kết nối tiêu thụ lương thực, thực phẩm giữa các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng và các đơn vị tiêu thụ trong khu Kinh tế Nghi Sơn (06/09/2016)
 SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT NĂM 2017, PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG NĂM 2016-2017 (05/09/2016)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang