Đăng nhập
 
 
   
    Số lượt truy cập
Hôm nay 26080
Hôm qua 85776
Tuần này 538619
Tháng này 905038
Tất cả 156360369
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 15/07/2022
Hiệu quả bước đầu mô hình “Chăn nuôi vịt thịt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” tại xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Xã Xuân Hưng có tổng diện tích tự nhiên là 1044,97 ha, dân số: 5.862 người/1.372 hộ. Trong 6 tháng đầu năm 2022 cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp của xã vẫn chiếm tới 26,3 % tổng thu nhập, trong đó lĩnh vực chăn nuôi gia súc - gia cầm chiếm 46,3%. Ngành chăn nuôi,  những năm qua luôn được Lãnh đạo xã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển. Đến nay, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn xã có khoảng 1660 con, đàn lợn 4.200 con, gia cầm 60.000 con; các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại luôn được Lãnh đạo xã quan tâm khuyến khích duy trì và phát triển.

Tuy nhiên, trong xu thế chung của huyện, chăn nuôi gia cầm nói chung, chăn nuôi vịt của xã nói riêng vẫn đang là chăn nuôi quy mô nhỏ chưa có nhiều trang trại, gia trại đầu tư để chăn nuôi vịt mà chủ yếu thả đồng. Cơ sở vật chất đầu tư cho chăn nuôi cũng như trình độ kỹ thuật của người dân còn nhiều hạn chế, người dân trong vùng còn chưa nắm vững các kiến thức chăn nuôi và quy trình phòng bệnh cơ bản cho đàn vịt, mua con giống trôi nổi... Đây chính là một trong những lý do làm cho tỷ lệ nuôi sống đạt thấp và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi vịt thịt của người dân trên địa bàn xã chưa cao.

 Xuất phát từ thực trạng trên từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2022 bằng nguồn kinh phí địa phương, Trung tâm  Khuyến nông Thanh Hóa đã triển khai mô hình “Chăn nuôi vịt thịt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm”. Với quy mô 1.800 con vịt, 4 hộ tham gia, nhằm chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt thịt nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

            Khi tham gia mô hình các hộ đã được hỗ trợ 50 % vịt giống Grimaud và 50% thức ăn để thực hiện mô hình. Ngoài ra các hộ còn được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt thịt, hội thảo, tổng kết đánh giá kết quả mô hình. Trong quá trình chăn nuôi các hộ được cán bộ chỉ đạo và cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa hướng dẫn, giúp đỡ.

            Sau 52 ngày nuôi tỷ lệ nuôi sống của đàn vịt đạt 96,5%, trọng lượng trung bình vịt 3,2 kg/con, với giá bán vịt trung bình 51.000đ/kg thu về từ 63 - 75 triệu đồng/hộ; trừ chi phí lãi trung bình 13 triệu/hộ (lãi thấp nhất là 7 triệu/hộ, lãi cao nhất là 18 triệu/hộ) chưa tính Nhà nước hỗ trợ. Cao hơn 10-15% so với chăn nuôi đại trà (cùng thời gian chăn nuôi một số hộ ngoài mô hình cũng có chăn nuôi vịt nhưng tỷ lệ nuôi sống đạt rất thấp, chậm lớn nên không có lãi).

Theo đánh giá của các hộ, ngoài hiệu quả kinh tế, cái đạt được lớn nhất là mô hình đã giúp người dân mở mang thêm kiến thức về chăn nuôi: trước hết là phải mua được con giống tốt (con giống rõ nguồn gốc, mua từ cơ sở giống có uy tín), chuồng trại phải luôn khô thoáng; dụng cụ chăn nuôi đầy đủ đúng lứa tuổi, khu chăn nuôi phải có hàng rào chắn không thả ra đồng. Thức ăn các hộ dùng 100% thức ăn công nghiệp. Không còn cho vịt uống nước ao như trước mà cung cấp nước sạch cho đàn vịt đầy đủ. Sử dụng thuốc thú y, vaccin tuân thủ đúng quy trình, đầy đủ, đúng lịch.

Anh Hà Văn Hạnh (thôn Xuân Tân, xã Xuân Hưng) một chủ hộ chăn nuôi của mô hình cho biết, sau khi tham gia mô hình, với quy mô 450 con, kết thúc mô hình cho lãi 17 triệu đồng (chưa tính Nhà nước hỗ trợ). Sau khi kết thúc mô hình từ vốn thu lại của mô hình anh đã đầu tư nuôi lứa tiếp theo với quy mô 1.000 con cũng là giống vịt Grimaud. Theo anh cho biết, thực tế sau khi tham gia mô hình với con giống do Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa cấp, cùng quy trình chăn nuôi vịt thịt được tập huấn đàn vịt của gia đình luôn khỏe mạnh, không mắc bệnh nên việc sử dụng kháng sinh cũng hạn chế, anh chỉ sử dụng kháng sinh để phòng bệnh khi úm vịt và khi vịt ra lông vai là thời điểm nhạy cảm vịt dễ mắc bệnh. Tỷ lệ nuôi sống, trọng lượng đàn vịt đạt và vượt yêu cầu đề ra, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn thấp nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với các hộ ngoài mô hình.

Đặc biệt, thông qua mô hình các hộ bước đầu đã liên kết cùng mua thuốc, vaccin để sử dụng trong thời gian thực hiện mô hình và khi bán vịt đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua việc tiếp xúc và trao đổi, động viên các hộ chăn nuôi trong mô hình và một số hộ ngoài mô hình có cùng sở thích sản xuất nông nghiệp, các hộ đã thấy được lợi ích của việc liên kết trong sản xuất nên đang xúc tiến thành lập hợp tác xã để cùng giúp đỡ nhau trong việc liên hệ con giống, vật tư đầu vào cũng như xuất bán các sản phẩm chăn nuôi cũng như các sản phẩm trong nông nghiệp. Việc thành lập Hợp tác xã này đã được đại diện hộ báo cáo xin ý kiến của xã và được UBND xã đồng ý ủng hộ. Hiện tại, các hộ đang tìm hiểu thủ tục để thành lập hợp tác trong thời gian tới.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình sẽ giúp các hộ có thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi vịt thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm, lựa chọn được con giống tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Đồng thời cũng giúp người chăn nuôi trên địa bàn xã, huyện thực hiện mô hình nói chung và chăn nuôi vịt nói riêng ngày một phát triển bền vững, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân./.