Số lượt truy cập
Hôm nay 50410
Hôm qua 39190
Tuần này 155114
Tháng này 3192940
Tất cả 192988524
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ ba, 01/06/2021
Điểm nhấn trong kế hoạch sản xuất vụ thu mùa

Kế hoạch sản xuất vụ thu mùa năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 158.700 ha cây trồng trở lên. Trong đó, lúa 115.000 ha, năng suất 52 tạ/ha, sản lượng 598.000 tấn; ngô 14.000 ha, năng suất 43 tạ/ha, sản lượng 60.200 tấn; lạc 1.000 ha, năng suất 20 tạ/ha, sản lượng 2.000 tấn; rau đậu các loại 14.600 ha, năng suất 130 tạ/ha, sản lượng 189.800 tấn.

Sản lượng lương thực toàn vụ phấn đấu đạt 658.200 tấn trở lên. Tổng thu nhập sản xuất ngành trồng trọt phấn đấu đạt 6.200 tỷ đồng trở lên. Giá trị sản xuất bình quân của vụ đạt 39 triệu đồng/ha trở lên. Để đạt mục tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế trong toàn vụ, kế hoạch sản xuất vụ thu mùa do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng và triển khai đã phân tích, dự báo những thuận lợi, khó khăn trong suốt toàn vụ. Trên cơ sở đó, xây dựng các nhóm giải pháp thực hiện.

Nông dân xã Nam Giang (Thọ Xuân) làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ thu mùa.

Theo đó, vụ thu mùa năm nay được đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi. Bởi, năm nay lúa đông xuân được thu hoạch sớm hơn 7 đến 10 ngày so với dự kiến, giúp giảm áp lực về mặt thời gian, thời vụ cho vụ thu mùa. Kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành và tổ chức sản xuất của các địa phương tiếp tục được tích lũy. Ngày càng nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật tư và tiêu thụ nông sản có uy tín tham gia vào chuỗi sản xuất và chủ động trong xây dựng kế hoạch cung ứng vật tư đầu vào, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm số lượng, chủng loại. Bên cạnh đó, nguồn nước cơ bản được bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là thời điểm đầu vụ. Tuy nhiên, xét về quá trình sản xuất trong toàn vụ, đây luôn được đánh giá là vụ sản xuất với nhiều bất lợi, do điều kiện thời tiết dự báo diễn biến phức tạp. Đầu vụ có thể xảy ra nắng hạn, giữa và cuối vụ có mưa lớn sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại phát sinh, phát triển và gây hại như bệnh lùn sọc đen phương Nam, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu và rầy lưng trắng.

Lường trước được những thuận lợi và khó khăn, Sở NN&PTNT đã xây dựng các nhóm giải pháp làm cơ sở, định hướng để các địa phương triển khai thực hiện. Năm nay, lúa đông xuân được thu hoạch sớm, nên khung thời vụ của vụ mùa cũng đến sớm và không eo hẹp về thời gian. Do đó, Sở NN&PTNT đã và đang đề nghị các địa phương mở rộng diện tích gieo cấy trà mùa sớm, hạn chế tối đa trà mùa muộn. Linh hoạt trong việc chỉ đạo bố trí và thực hiện lịch thời vụ vừa bảo đảm sản xuất an toàn vừa tạo quỹ đất để triển khai sản xuất vụ đông.

Cùng với việc bố trí lịch thời vụ phù hợp, giống được xem là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng của toàn vụ, do đó, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá hiệu quả của các giống đã được cơ cấu trong vụ thu mùa những năm gần đây, lựa chọn các giống phù hợp, cho năng suất cao, khả năng chống chịu và chất lượng tốt để tiếp tục cơ cấu bộ giống chủ lực. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương cơ cấu thêm các giống đã được công nhận lưu hành, qua khảo nghiệm sinh thái, có tiềm năng và thị trường tiêu thụ tốt và cần phải bố trí các trà các giống thành từng vùng để thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, quản lý sâu bệnh, mỗi cánh đồng chỉ cơ cấu từ 1 - 2 giống. Sở NN&PTNT cũng đã xây dựng, cơ cấu các giống chủ lực theo từng trà, từng chân đất cụ thể. Ngoài lúa, Sở NN&PTNT còn xây dựng cơ cấu giống cho cả các cây trồng cạn, như: ngô, lạc, cây thức ăn chăn nuôi, rau các loại.

Việc cơ cấu bộ giống đạt năng suất, chất lượng cao, cụ thể trên từng chân đất, từng trà sản xuất không những góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất của toàn vụ, mà còn giúp các địa phương thực hiện tốt các biện pháp thâm canh và quản lý sâu bệnh; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, quỹ thời gian để sản xuất vụ kế tiếp.

Bên cạnh xây dựng cơ cấu bộ giống, kế hoạch sản xuất vụ thu mùa năm nay còn dự báo các đối tượng sâu bệnh gây hại, như: sâu cuốn lá; sâu đục thân 2 chấm; rầy nâu, rầy lưng trắng; bệnh lùn sọc đen phương Nam; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và đen lép hạt. Qua đó, đề nghị chính quyền các địa phương và bà con nông dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong toàn vụ. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương thực hiện thành công mục tiêu về năng suất, sản lượng.

Cùng với các giải pháp về kỹ thuật, vụ thu mùa năm nay được sản xuất trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để bảo đảm thị trường tiêu thụ cho các loại nông sản, nhất là diện tích cây trồng cạn, các loại cây hàng hóa, Sở NN&PTNT định hướng cho các địa phương khuyến cáo bà con nông dân tập trung sản xuất các loại nông sản có thể bảo quản, chế biến, xuất khẩu, như: lúa gạo, dưa bao tử, ngô đường... Đối với các loại nông sản tiêu thụ, sử dụng tươi, khó bảo quản trong thời gian dài, các địa phương cần căn cứ nhu cầu thị trường nội địa để sản xuất; ưu tiên các đối tượng cây trồng được sản xuất theo hợp đồng để tránh tình trạng sản xuất dư thừa nông sản, gây khó khăn và thất thiệt cho người sản xuất. Ngoài ra, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có uy tín triển khai cung ứng vật tư nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt trên địa bàn. Đa dạng các nguồn cung ứng nguyên liệu, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất vật tư phục vụ sản xuất tại chỗ như sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phân viên nén dúi sâu, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh.

Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ thu mùa, thời điểm này, các địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân 2020-2021 và huy động máy móc, nhân lực tập trung giải phóng đất; thực hiện gieo mạ, đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Các đơn vị thủy nông cũng đang chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm nguồn nước tưới, tạo điều kiện cho bà con nông dân sản xuất.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 15065


Các tin khác:
 Ghi nhận kết quả trong sản xuất vụ đông xuân (01/06/2021)
 Nâng cao năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (29/05/2021)
 Thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp (24/05/2021)
 Ngành trồng trọt tiếp đà tăng trưởng (17/05/2021)
 Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi (10/05/2021)
 Huyện Hậu Lộc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả bền vững (10/05/2021)
 Tăng cường các biện pháp phòng, trừ bệnh khảm lá sắn (06/05/2021)
 Nâng cao năng lực dự báo, giám sát phòng, trừ dịch hại trên cây trồng (02/05/2021)
 Tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng cuối vụ (02/05/2021)
 Kết quả tích tụ, tập trung đất đai tại huyện Đông Sơn (29/04/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang