Số lượt truy cập
Hôm nay 56286
Hôm qua 39190
Tuần này 160990
Tháng này 3198816
Tất cả 192994400
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 09/04/2020
Giới thiệu một số biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi hạn chế ô nhiễm mỗi trường

Trong quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ thải ra môi trường một lượng lớn phân và các loại chất thải. Phân và chất thải của vật nuôi có mùi hôi thối, chứa chất chứa nitơ, phốt pho, kẽm, đồng… và các vi sinh vật gây hại khác không những gây ô nhiễm không khí mà còn làm ô nhiễm đất, nguồn nước (bao gồm cả nguồn nước ngầm). Ngoài ra trong quá trình sinh trưởng phát triển gia súc gia cầm còn bài thải ra môi trường các loại mầm bệnh có thể gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người và môi trường sống như: E. Coli, Salmonella, Streptococcus, Enterobacteriae, … Nhưng hiện tại người chăn nuôi  xử lý chất thải chưa được tốt, đang còn hiện tượng xả nước thải, vứt xác gia cầm, gia súc bừa bãi và hệ thống thoát nước đơn giản làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa được khắc phục triệt để và có chiều hướng gia tăng.

Để xử lý chất thải trong chăn nuôi tốt, hạn chế gây ô nhiễm môi trường thì phải xử dụng các biện pháp xử lý chất thải, dưới đây là một số biện pháp đang được sử dụng hiệu quả:

Thứ nhất: Quy hoạch chăn nuôi.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phải được quy hoạch phù hợp theo vùng sinh thái cả về số lượng, chủng loại để không bị quá tải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là những khu vực có sử dụng nguồn nước mặt (kể cả nước ngầm) cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt thì công tác quy hoạch chăn nuôi càng phải quản lý nghiêm ngặt.

Khi xây dựng, thành lập trang trại chăn nuôi mới phải đảm bảo đất đã được quy hoạch và phải được đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng trang trại. Đối với cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng theo quy hoạch. Đây được coi là biện pháp vĩ mô quan trọng góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thứ hai: Xử lý bằng ủ phân sinh học trong chăn nuôi:

Xử dụng biện pháp ủ phân sinh học giúp tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng, làm giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt như chi phí phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; tiêu hủy các mầm bệnh có trong phân chuồng; phân hủy các hợp chất hữu cơ, khó tiêu thành dễ tiêu; làm tăng độ phì nhiêu của đất và có tác dụng cải tạo đất tốt…

Thứ ba: Xử lý chất thải chăn nuôi bằng Biogas (hệ thống khí sinh học).

Hiện nay, việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống biogas đang được người chăn nuôi ưu tiên lựa chọn vì vừa giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường vừa tận dụng được nguồn khí đốt để đun nấu, sưởi ấm, chạy máy phát điện, tạo ra điện phục vụ cho trang trại và sinh hoạt trong gia đình.

Hiện nay, có nhiều loại công trình khí sinh học khác nhau như bể xây KT1, KT2; các bể Biogas bằng nhựa composite, Bể Biogas bằng bạt nhựa HDPE… Trong thực tiễn, tùy điều kiện từng nơi, từng quy mô trang trại mà chúng ta lựa chọn các loại bể khác nhau cho phù hợp. Các công trình KT1, KT2 có ưu điểm là chi phí rẻ, độ bền tương đối cao song với dung tích lớn khó thi công, nhất là ở vùng trũng, vùng ngập nước; trong quá trình sử dụng thường xuyên phải phá vàng. Bể biogas bằng nhựa composite mặc dù có chi phí cao song độ bền rất cao, dễ thi công lắp đặt, dễ dàng di chuyển đến nơi khác khi phải chuyển chuồng. Các bể bằng tấm nhựa HDPE phù hợp với các trang trại lớn nhưng độ bền không cao, dễ bị tác động với các yếu tố ngoại cảnh, nhất là tác động vật lý, cơ học.

Thứ tư: Xử lý chất thải bằng men sinh học:

Men vi sinh có nhiều tác dụng như: Giảm khả năng sinh khí độc như NH3, H2S, SO2; tăng hấp thụ thức ăn, giảm bài tiết chất dinh dưỡng qua phân; giải độc đường tiêu hóa…

Trên thị trường có nhiều chất men có tác dụng làm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước. Cách sử dụng men cũng rất đa dạng  như: Dùng bổ sung vào nước thải, dùng phun vào chuồng nuôi, vào chất thải để giảm mùi hôi, dùng trộn vào thức ăn… nhưng cũng có loại men lại có nhiều cách sử dụng như trên. Để sử dụng men vi sinh một cách hiệu quả chúng ta cần thực hiện tốt các vấn đề kỹ thuật theo khuyến cáo của nhà sản xuất và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn nhằm phát huy tối đa tác dụng của chúng với chi phí thấp nhất.

Thứ năm: Chăn nuôi trên đệm lót sinh học

Chăn nuôi trên đệm lót sinh học là sử dụng các phế thải từ chế biến nông lâm nghiệp (trấu, phôi bào, mùn cưa…) để làm đệm lót có bổ sung chế phẩm sinh học (Ví dụ như men Balasa No1) nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.  Việc chăn nuôi trên đệm lót sinh học được khẳng định là không gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, giảm bệnh tật, qua đó giúp vật nuôi nhanh lớn, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn quy mô nông hộ. Thực chất của quá trình này cũng là xử lý chất thải chăn nuôi bằng men sinh học, do đó việc làm, sử dụng và bảo quản đệm lót đòi hỏi phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nhược điểm lớn nhất của đệm lót sinh học là kỵ nước, sinh nhiệt nên việc làm mát, tản nhiệt khi thời tiết nóng cần phải được quan tâm.

Thứ sáu: Xử lý bằng công nghệ ép tách phân

Đây là công nghệ hiện đại được nhập vào nước ta chưa lâu nhưng đang được nhiều nhà chăn nuôi quan tâm áp dụng. Dựa trên nguyên tắc “lưới lọc” máy ép có thể tách hầu hết các tạp chất nhỏ trong hỗn hợp chất thải chăn nuôi, tùy theo tính chất của chất rắn mà có các lưới lọc phù hợp. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc thì các chất rắn được giữ lại, ép khô rồi đưa ra ngoài để xử lý riêng còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc xuống hầm khí sinh học hoặc bể lắng xử lý tiếp. Quá trình xử lý này tuy đầu tư ban đầu tốn kém hơn nhưng rất hiện đại, nhanh, gọn, ít tốn diện tích và đang là một trong những biện pháp tương đối hiệu quả đối với các trang trại chăn nuôi lợn, trâu bò theo hướng công nghiệp quy mô lớn.

Trên đây là một số biện pháp sử lý chất thải trong chăn nuôi đang được áp dụng rộng dãi. Tùy điều kiện chăn nuôi để sử dụng một hay đồng thời nhiều biện pháp trên để sử lý chất thải được triệt để hơn, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nói riêng và môi trường sống nói chung./.

Nguồn tin: Hà Linh - TTKN Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 22488


Các tin khác:
 Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản. (07/04/2020)
 Phân vùng khai thác và khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn. (03/04/2020)
 Hiệu quả kinh tế của giống ớt Santa 8.0 ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (30/03/2020)
 Làm giàu từ mô hình chăn nuôi kết hợp (30/03/2020)
 Giải pháp tăng sức sống cho gà con hiệu quả trong chăn nuôi - Giảm tỷ lệ chết khi nuôi gà. (27/03/2020)
 Một số tồn tại, hạn chế trong thực hành chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi nông hộ và giải pháp (27/03/2020)
 Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ Xuân 2020 (20/03/2020)
 Ứng dụng phần mềm lập khẩu phần thức ăn cho gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính (09/03/2020)
 Hiệu quả mô hình "Liên kết các hộ nuôi thâm canh cá rô phi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm". (10/01/2020)
 Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh bằng giống ươm trong bầu hữu cơ. (02/01/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang