Số lượt truy cập
Hôm nay 29364
Hôm qua 58866
Tuần này 192934
Tháng này 3230761
Tất cả 193026345
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 05/02/2021
Phát triển nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường

Nhiều năm nay, gần 200 ha sản xuất nông nghiệp của HTX nông nghiệp Thiệu Hợp (xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa) luôn được thương lái và doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc HTX nông nghiệp Thiệu Hợp, cho biết: Có được kết quả này là do những năm gần đây, thay vì trồng các loại cây truyền thống, HTX đã chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, chế biến của người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, trên cơ sở định hướng của huyện Thiệu Hóa, nhận định, phân tích xu hướng, nhu cầu tiêu dùng của người dân và nguyên liệu chế biến của doanh nghiệp, HTX đã đưa một số loại cây trồng, như: ngô ngọt, cà tím, bí siêu ngọn, ớt chỉ thiên... vào gieo trồng. Đây đều là những loại cây trồng đang được tiêu thụ mạnh. Cũng chính vì có thị trường tiêu thụ khá ổn định, nên hiệu quả kinh tế của những loại cây trồng này luôn được bảo đảm. Đơn cử như diện tích trồng ngô ngọt, mỗi ha trồng ngô đạt năng suất từ 17 đến 19 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ; cao hơn so với trồng ngô đại trà khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha/vụ. 

Diện tích trồng bí siêu ngọn tại xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa).

Chủ động chuyển đổi 2 sào đất trồng ngô thương phẩm sang trồng ớt chỉ thiên theo định hướng của HTX nông nghiệp Thiệu Hợp, nên vụ đông năm nay bà Lê Thị Mận, xã Thiệu Hợp thu lãi được gần 100 triệu đồng. Hiện, bà đang khẩn trương thu hoạch ớt, giải phóng đất để chuyển sang trồng bí siêu ngọn, loại rau mà người tiêu dùng đang ưa chuộng.

Ở huyện Nga Sơn, nhiều năm nay, việc phát triển diện tích cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao đều được dựa trên cơ sở định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhận định về thị trường. Đơn cử như trong vụ đông 2020-2021, trên cơ sở định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nga Sơn nhận định, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên một số loại cây trồng phục vụ xuất khẩu dự báo sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Vì vậy, huyện lựa chọn mở rộng các cây trồng phục vụ chế biến và những loại cây trồng tiêu thụ nội địa lớn. Theo đó, huyện ưu tiên mở rộng diện tích một số loại cây như: khoai tây, khoai lang, hành lá, dưa leo... Đây đều là những loại cây trồng được các doanh nghiệp bao tiêu phục vụ chế biến và có thị trường tiêu thụ nội địa ổn định.

Để mở rộng diện tích các loại cây trồng theo định hướng, huyện đã ban hành nhiều chính sách, như: Hỗ trợ các xã tổ chức sản xuất cây khoai tây ngoài chỉ tiêu diện tích phân bổ của tỉnh, quy mô từ 5 ha/đơn vị/vụ trở lên, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/vụ; hỗ trợ các xã tổ chức sản xuất cây hành Baro, hành lá liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quy mô từ 5 ha/đơn vị/vụ; hỗ trợ các xã tổ chức sản xuất cây dưa leo liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quy mô từ 5 ha/đơn vị/vụ, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha/vụ; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật các cây trồng, như: hành Baro, hành lá, dưa leo xuất khẩu, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/vụ. Qua đó, vụ đông này, huyện đã mở rộng được nhiều diện tích cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đạt giá trị kinh tế cao, như: khoai lang phục vụ chế biến 80 ha, hành Baro 90 ha, dưa leo hơn 30 ha, hành lá 85 ha...

Có thể nói, việc dự báo được xu thế và nhu cầu tiêu dùng của người dân để định hướng trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng giúp người nông dân giải quyết được bài toán về thị trường tiêu thụ. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục khảo sát, tìm hiểu, phân tích, dự báo xu thế, nhu cầu tiêu dùng của người dân để định hướng phát triển các loại cây trồng phù hợp, làm căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện. Dự báo, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp định hướng cho các địa phương hạn chế trồng các loại cây trồng xuất khẩu khi chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thay vào đó là trồng các loại cây có dư địa tiêu thụ nội địa lớn. Trong đó, tập trung mở rộng một số nhóm cây trồng chủ lực, gồm: ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại. Thực hiện trồng rải vụ đối với các loại cây rau màu nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; mở rộng các đối tượng cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định, như: dưa chuột bao tử, bí xanh, bí ngô, khoai tây. Bên cạnh đó đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ đông theo chủ trương, định hướng của tỉnh. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tuyệt đối không được sản xuất theo phong trào, tự ý mở rộng diện tích sản xuất các loại cây rau màu giá trị cao khi chưa tìm được đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 15104


Các tin khác:
 Bảo đảm kế hoạch, thời vụ sản xuất vụ đông xuân (01/02/2021)
 Phát triển cây ăn quả tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm (29/01/2021)
 Hiệu quả từ các mô hình trồng rau thủy canh (22/01/2021)
 Lasuco nỗ lực nâng cao chất lượng vùng mía nguyên liệu (21/01/2021)
 Nông nghiệp là nền tảng và trụ đỡ cho nền kinh tế (20/01/2021)
 Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở những xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (20/01/2021)
 Phát triển các cây trồng chủ lực (18/01/2021)
 Thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp (12/01/2021)
 Vụ đông trên những cánh đồng xứ Thanh (06/12/2020)
 Phát triển sản xuất để “nâng chất” nông thôn mới (01/12/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang