Số lượt truy cập
Hôm nay 23507
Hôm qua 39190
Tuần này 128211
Tháng này 3166037
Tất cả 192961621
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ bảy, 24/10/2020
Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm trước. Song phải đến năm 2015, khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh và phát triển bền vững, thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa mới được thực hiện mạnh mẽ tại các địa phương trong tỉnh

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được thực hiện đối với diện tích đất trồng lúa có hiệu quả kinh tế thấp, thường xuyên bị ngập, úng hoặc khô hạn, diện tích bị xen kẹp, chia cắt bởi các khu công nghiệp, đô thị... sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì được quỹ đất trồng lúa. Đồng thời, phát triển các đối tượng cây trồng có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện theo nguyên tắc chuyển đổi linh hoạt để khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa mà không phải đầu tư lớn. Việc chuyển đổi phải bảo đảm hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa và phải được tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, cánh đồng lớn, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản. 

Diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc.

Trên cơ sở định hướng về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của tỉnh và ngành nông nghiệp, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát quỹ đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nói chung, diện tích đất trồng lúa nói riêng để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phù hợp với điều kiện tự nhiên. Trên cơ sở định hướng, khuyến cáo các đối tượng cây trồng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã và đang lựa chọn các cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường để đưa vào chuyển đổi, nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế cho diện tích đất trồng lúa sau chuyển đổi. Để diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi bảo đảm hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững sau chuyển đổi, các địa phương còn chú trọng gắn với việc phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, tạo ra vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Thực hiện chuyển đổi cây trồng theo vùng gắn với loại cây phù hợp để tạo ra diện tích sản xuất lớn. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận cả về diện tích chuyển đổi và hiệu quả kinh tế. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt được 20.507 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm là 11.801 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm là 2.468 ha, còn lại là chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt được 5.920 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác đạt giá trị cao hơn. Trong quá trình chuyển đổi, xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, như: Mô hình trồng cà chua chín sớm tại huyện Thọ Xuân, đạt lợi nhuận 120 đến 150 triệu đồng/ha/vụ; trồng cây dược liệu ở huyện Triệu Sơn, đạt lợi nhuận 200 triệu đồng/ha/năm; trồng thuốc lào ở huyện Quảng Xương, đạt lợi nhuận từ 200 đến 250 triệu đồng/ha/vụ; trồng hoa ở các huyện Đông Sơn, Quảng Xương và TP Thanh Hóa, đạt lợi nhuận 200 đến 350 triệu đồng/ha/năm... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi đều đạt hiệu quả kinh tế bình quân cao hơn 2,5 đến 4 lần so với trước khi chưa chuyển đổi. Đáng chú ý, một số diện tích được chuyển sang trồng các cây rau màu có giá trị hoặc sản xuất công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 8 đến 10 lần.

Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói chung và trên diện tích đất trồng lúa nói riêng đã và đang góp phần đáng kể vào việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nhất là các loại cây trồng phục vụ chế biến tại các địa phương. Đơn cử như tại Yên Định, quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp huyện xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, như: Vùng trồng cây ăn quả tại các xã: Yên Ninh, Yên Lâm, Yên Phú, Yên Trường, Yên Thọ, Yên Tâm, Định Bình và thị trấn Quán Lào, với diện tích gần 1.700 ha. Vùng trồng rau an toàn tại các xã: Yên Phong, Định Bình, Yên Thọ, Yên Trường, Định Hòa và thị trấn Quán Lào, với diện tích gần 40 ha. Vùng trồng các cây rau màu hàng hóa tại các xã: Quý Lộc, Yên Tâm, Yên Giang, Yên Trung, Yên Ninh, Định Long, Định Hòa, Định Liên... Nhờ hình thành được các vùng sản xuất tập trung, nên huyện Yên Định đã thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, với tổng diện tích cây trồng được liên kết hơn 4.000 ha mỗi năm. Thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói chung và trên đất lúa nói riêng, toàn tỉnh đã xây dựng được diện tích liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm trồng trọt theo vùng tập trung 67.761 ha/năm.


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 15220


Các tin khác:
 Thanh Hóa chủ động các biện pháp tiêu thoát nước, bảo vệ cây trồng (14/10/2020)
 Hiệu quả từ mô hình tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn (12/10/2020)
 Khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp (12/10/2020)
 Tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón (03/10/2020)
 Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng (03/09/2020)
 Chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ thu mùa (05/08/2020)
 Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (29/06/2020)
 Hơn 4.700 ha lúa trong vụ đông xuân được liên kết sản xuất (23/06/2020)
 Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (05/06/2020)
 Năng suất lúa vụ đông xuân ước đạt 64 tạ/ha (01/06/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang