Số lượt truy cập
Hôm nay 21751
Hôm qua 39190
Tuần này 126455
Tháng này 3164281
Tất cả 192959865
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 31/03/2021
Áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao tầm vóc đàn gia súc

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc, các địa phương đã và đang áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào chăn nuôi, thay đổi dần tập quán chăn nuôi tự phát, lạc hậu để tạo ra những con lai có tầm vóc, thể trạng tốt. Nhờ đó, chất lượng, tầm vóc đàn trâu, bò được cải thiện, nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa được hình thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy chăn nuôi được xác định là một trong những thế mạnh của huyện Như Thanh, nhưng việc phát triển đàn trâu, bò thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nguyên nhân chính là do đa phần các hộ chăn nuôi hình thức nhỏ, lẻ; việc ứng dụng KHKT còn hạn chế, chăn thả tự do nên xảy ra hiện tượng giao phối cận huyết làm giảm tầm vóc và sức sản xuất của vật nuôi, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao. Để nâng cao tầm vóc đàn gia súc của địa phương, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển; trong đó, phải kể đến việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Đơn cử như, được sự giúp đỡ của cán bộ thú y xã, gia đình anh Lê Đắc Duẩn, xã Phú Nhuận đã sử dụng tinh đông lạnh giống bò đực BBB nhập khẩu để thực hiện TTNT. Chỉ sau 11 tháng nuôi, anh đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt của giống bò lai BBB so với giống bò địa phương trước đây. So với thụ tinh truyền thống, bê con sinh ra từ phương pháp mới này có tầm vóc cao hơn, cân nặng hơn 3 - 4 kg/con, sức đề kháng cũng tốt hơn; trung bình mỗi tháng tăng từ 24,5 - 25,9 kg/con. Anh Duẩn cũng cho biết: Việc phối tinh bò BBB với bò cái nền Zebu đã giúp tỷ lệ phối giống đạt cao, bê lai thế hệ F1 sinh ra có trọng lượng phù hợp, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, dễ nuôi, tạp ăn; năng suất cao hơn khoảng 40% so với bò địa phương. Được biết, mỗi năm, huyện Như Thanh đã tổ chức phối giống cho từ 600 đến 800 con trâu, bò cái sinh sản. Các biện pháp KHKT đã được áp dụng, như: sử dụng tinh bò nhóm Zebu thuần phối giống cho đàn bò nội để nâng cao tầm vóc, sử dụng tinh bò BBB để phối giống với bò cái lai Zebu để tạo đàn bò thịt, sử dụng tinh trâu nội và tinh trâu Murrah để phối giống cho đàn trâu cái,... 

Cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Lê Đắc Duẩn, xã Phú Nhuận (Như Thanh).

Tại huyện Thiệu Hóa, trong chăn nuôi bò đã áp dụng tiến bộ KHKT trong TTNT để tạo ra các giống bò lai có năng suất và chất lượng cao như bò lai Zebu, bò lai BBB. Đánh giá hiệu quả của công tác TTNT trong chăn nuôi bò, đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Việc phối tinh bò BBB với bò cái nền Zebu đã giúp tỷ lệ phối giống đạt cao, bê lai thế hệ F1 thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần các giống bò khác tại cùng thời điểm. Để đẩy mạnh công tác TTNT, nâng cao tầm vóc cho đàn trâu, bò trên địa bàn, huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tinh trâu, bò ngoại cho các hộ chăn nuôi phối bằng phương pháp TTNT; đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân mua bò đực lai F1 BBB để thuần dưỡng, sau đó lựa chọn bò cái nền Zebu trên 75% máu ngoại, có ngoại hình đẹp để phối giống.

Được biết, mỗi năm toàn tỉnh sử dụng khoảng 3.000 liều tinh trâu Murrah, 45.000 liều tinh bò Brahman lai tạo với đàn trâu, bò địa phương; năm 2020 nâng tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt 63%. Cùng với đó, du nhập một số giống bò như: Drouhgtmaster, RedAgus để phối giống với đàn bò cái nền lai Zebu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò thịt. Đánh giá hiệu quả của công tác TTNT trong chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh, đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Phương pháp TTNT hạn chế tối đa lây lan bệnh tật, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng, nguồn con giống được kiểm soát, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp TTNT đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20 - 30%. Có thể nói, thành công của chương trình nâng cao tầm vóc đàn gia súc bằng phương pháp TTNT không chỉ làm thay đổi tập quán chăn nuôi mà còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, áp dụng KHKT. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cho đàn trâu, bò; tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 19959


Các tin khác:
 Thanh Hóa hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng cho các hộ dân có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi (25/03/2021)
 Khó khăn trong thực hiện chứng nhận cho các trang trại đạt tiêu chí (25/03/2021)
 Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (16/03/2021)
 Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò (05/03/2021)
 Thực hiện tái đàn gia súc, gia cầm sau Tết Nguyên đán (28/02/2021)
 Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (03/02/2021)
 Gìn giữ giống vật nuôi có nguồn gốc bản địa (03/02/2021)
 Chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi (01/02/2021)
 Tăng cường công tác kiểm soát lưu thông, giết mổ động vật (22/01/2021)
 Xã Quý Lộc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung (21/01/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang