Số lượt truy cập
Hôm nay 37926
Hôm qua 39190
Tuần này 142630
Tháng này 3180456
Tất cả 192976040
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 10/11/2021
Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả

Để góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, huyện Như Thanh đã và đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các cấp ủy, chính quyền huyện Như Thanh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị, chất lượng và đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp đảm bảo môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; kết nối sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đối với các sản phẩm là lợi thế của địa phương nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

Đồng chí Vũ Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để sản xuất phát triển, nâng cao giá trị trên từng đơn vị diện tích, huyện đã thực hiện hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, như: hỗ trợ máy gặt lúa, máy cấy và khay làm mạ; hỗ trợ mô hình nuôi lợn nái ngoại; mô hình trồng rau an toàn... Cùng với việc hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, huyện Như Thanh còn chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, thay thế các giống lúa, ngô kém năng suất, chất lượng bằng những giống lúa lai, ngô lai có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, vận động bà con nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế; khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Ngoài ra, huyện Như Thanh cũng tạo cơ chế, môi trường tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; tăng cường kêu gọi, tìm kiếm thị trường để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện. Theo thống kê, đến nay toàn huyện đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, huyện Như Thanh đã chuyển đổi và luân canh được trên 400 ha đất lúa sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi gần 500 ha đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng mía, 780 ha đất trồng mía có độ dốc cao sang trồng cây trồng khác... Nhiều mô hình cây trồng mang lại giá trị thu nhập cao đã và đang được nhân rộng, như: đào, ớt xuất khẩu, ngô ngọt, dưa chuột, riềng, nghệ vàng... Điển hình như gia đình chị Lê Thị Thắng, ở thôn 7, xã Cán Khê với mô hình trồng mía, keo, riềng... đã mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Hay mô hình trồng đào cảnh kết hợp với trồng cây ăn quả có múi cho thu nhập cả trăm triệu đồng của gia đình anh Trần Viết Minh, ở thôn 8, xã Xuân Du, đã giúp gia đình anh thoát nghèo, vươn lên làm giàu...


Xã Phú Nhuận thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm thức ăn cho chăn nuôi bò sữa.

Với lợi thế về đất lâm nghiệp, huyện Như Thanh đã triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển rừng như chỉ đạo thành lập các ban phát triển rừng cấp xã và cấp thôn; có cơ chế, chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất cho Nhân dân; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho Nhân dân; lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ Nhân dân trồng và đầu tư chăm sóc rừng. Vì vậy số hộ tham gia trồng rừng và diện tích rừng trồng luôn tăng hàng năm. Cây lâm nghiệp, công nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh, huyện đã trồng mới được gần 10.000 ha rừng các loại (chủ yếu là lim xanh).

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, khuyến khích phát triển các mô hình trang trại, gia trại. Theo đó, huyện đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, tập trung thực hiện các chương trình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò. Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, cán bộ huyện, xã cũng đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; trang bị kiến thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tích lũy các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu bò; làm chuồng trại kiên cố, đưa gia súc về nuôi nhốt tại nhà, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc để mở rộng quy mô các đồng cỏ phục vụ chăn nuôi; phối hợp với các địa phương trong, ngoài tỉnh mua giống trâu, bò, gà ri, dê... bảo đảm chất lượng, cung ứng cho các hộ trên địa bàn. Hàng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cho người dân đăng ký thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi; đồng thời, ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Toàn huyện hiện có 47 trang trại và 286 gia trại, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động và hơn 5.000 lao động thời vụ. Như Thanh cũng là một trong số ít các địa phương thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển trang trại bò sữa với quy mô trên 2.000 con - là điểm nhấn quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.

Sản xuất mô hình mới, nâng cao thu nhập..

Lúa là một trong những loại cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Như Thanh. Tuy nhiên, trước kia nông dân vẫn chưa chú trọng sản xuất lúa theo quy mô hàng hóa. Đây cũng là thực tế ở xã Phú Nhuận - một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất cây lúa của huyện Như Thanh. Chỉ đến khi huyện có chủ trương ổn định diện tích lúa, áp dụng thực hiện mô hình cánh đồng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, chuyển đổi phương thức, quy trình chăm sóc, sản lượng và chất lượng lúa ở Phú Nhuận đã tăng rõ rệt trên từng ha canh tác. Không chỉ xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh còn tập trung áp dụng mô hình cánh đồng thâm canh lúa năng suất, chất lượng với tổng diện tích trên 1.000 ha tại các xã Yên Thọ, Mậu Lâm, Xuân Du, Hải Long... Việc áp dụng mô hình sản xuất hoàn toàn mới theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng từ khâu chọn giống đến kỹ thuật để nâng cao năng suất đã được Nhân dân các xã hưởng ứng tích cực, nên năng suất lúa tại các địa phương áp dụng mô hình đạt từ 60 tạ/ha trở lên.

Mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Vi Văn Thông, ở xã Xuân Thái hàng năm cho thu nhập cao.

Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi và cung cấp cho các trang trại bò sữa, huyện Như Thanh khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp, hình thành vùng sản xuất cây thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư thâm canh, tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển các giống cây thức ăn chăn nuôi mới theo hướng năng suất, chất lượng, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương; nhất là các giống cỏ có khả năng chịu hạn, chịu rét, chịu sương muối tốt. Hiện nay, trên địa bàn huyện Như Thanh đã quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn xanh tại một số xã như: Phú Nhuận, Hải Long, Mậu Lâm... với tổng diện tích hơn 1.061 ha; trong đó diện tích trồng cỏ voi 633 ha, ngô dày 428 ha. Anh Nguyễn Văn Nam, xã Phú Nhuận, chia sẻ: Từ một vùng quê nghèo, diện tích đất ở khu vực sườn đồi trồng ngô không hiệu quả, bà con nông dân trong xã đã “đổi đời” nhờ trồng cỏ nuôi bò. Hiện, toàn xã có hơn 100 hộ dân liên kết với Trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 trồng cỏ làm nguyên liệu thức ăn cho bò sữa với diện tích 45 ha bằng các giống cỏ chủ yếu, như: VA206, Maluto; mỗi năm trồng 3 vụ, trừ chi phí, người dân thu lãi khoảng 80 - 90 triệu đồng/ha/năm.

Với lợi thế về đất đai, cùng với nhu cầu thị trường lớn, huyện Như Thanh đã và đang mở rộng diện tích trồng rau, quả an toàn theo hướng VietGAP. Ngoài việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tại xã Yên Thọ, UBND huyện Như Thanh đã chỉ đạo mỗi hộ dân bố trí 40 - 50m2 đất trong gia đình để sản xuất rau, quả theo hướng an toàn nhằm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng gần 100 ha rau, quả sản xuất theo hướng an toàn. Mục tiêu của huyện Như Thanh đến năm 2022, chuyển đổi khoảng 600 ha chuyên canh rau, quả sang áp dụng trồng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và các quy trình sản xuất an toàn khác. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài chính sách hỗ trợ sản xuất rau an toàn của tỉnh, huyện cũng có cơ chế riêng khuyến khích sản xuất an toàn. Theo đó, 1 ha sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh được hỗ trợ 50 triệu đồng, hỗ trợ 50 triệu đồng/1.000m2 nhà lưới, nhà kính đối với sản xuất rau an toàn, hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng năm đầu cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cá nhân, gia đình đầu tư sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao; chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ rau an toàn cho người sản xuất.

Nhờ các giải pháp hiệu quả trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, những năm qua thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ngày càng tăng, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất tăng lên đáng kể. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp. Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo từng lĩnh vực cũng dần được hình thành, thực hiện sản xuất theo quy hoạch, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên lượng hàng hóa ngày càng tăng, chất lượng được cải thiện, dần đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho Nhân dân./.


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 19949


Các tin khác:
 Khai thác thủy sản thích ứng an toàn phòng, chống dịch COVID-19 (22/10/2021)
 Thẩm tra mức độ đạt chuẩn nông thôn mới tại huyện Nông Cống (21/10/2021)
 Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (19/10/2021)
 Nâng cao năng lực dự báo thị trường trong sản xuất nông nghiệp (15/10/2021)
 Đoàn Công tác do Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và Văn phòng Thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh đi Kiểm tra, tình hình mưa, sạt lở đất do ảnh hưởng của cơn bão số 8 tại huyện Như Thanh (14/10/2021)
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Nông Cống và Thiệu Hoá (14/10/2021)
 Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát thực hiện Chương trình OCOP và quản lý sử dụng đất lâm nghiệp (14/10/2021)
 Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh: Khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ (12/10/2021)
 Kêu gọi hành động - xóa bỏ ngư cụ ma (11/10/2021)
 Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh: Triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7 và mưa lũ (10/10/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang