Số lượt truy cập
Hôm nay 3342
Hôm qua 58866
Tuần này 166912
Tháng này 3204738
Tất cả 193000322
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 30/11/2020
Chủ động chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Việc chủ động, tích cực phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi là biện pháp quan trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do tác động của thời tiết gây ra. Do vậy các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhất là các địa phương khu vực miền núi đã và đang chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét.

Huyện Ngọc Lặc hiện có 15.768 con trâu, bò, 11.294 con lợn và 622.226 con gia cầm, gieo trồng 1.400 ha cây trồng vụ đông. Để bảo đảm đàn vật nuôi phát triển ổn định trong mùa đông năm nay, huyện Ngọc Lặc đã xây dựng kế hoạch phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, những ngày này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc luôn theo dõi, cập nhật thông tin và phổ biến kịp thời diễn biến khí hậu để người chăn nuôi chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Phân công cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng chống rét và dịch bệnh; hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại; đồng thời, gia cố chuồng trại, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng giúp đàn vật nuôi tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống rét. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, khử trùng, tiêu độc theo đúng lịch phòng bệnh để tăng miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, cho biết: Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn, nên hiện hầu hết các chuồng nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đã được các hộ dân gia cố, che chắn, nguồn thức ăn dự trữ và nguyên liệu sử dụng sưởi ấm cũng đã được chuẩn bị đề phòng cho những ngày rét đậm, rét hại. 

Trang trại chăn nuôi tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân) được rải trấu làm thảm, giữ ấm cho gia cầm.

Các biện pháp phòng, chống rét nêu trên cũng đã và đang được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh áp dụng. Gia đình bà Lê Thị Ngái, thôn 4, xã Thọ Sơn (Triệu Sơn) nuôi 5 con bò. Bà Ngái cho biết: Được tuyên truyền, phổ biến về biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, ngay từ đầu vụ đông, bà đã chủ động dự trữ thức ăn tinh, khô như: rơm, cỏ khô. Đồng thời gia cố, che chắn chuồng nuôi nhốt để tránh gió lùa khi có rét đậm, rét hại. Còn đối với gia đình ông Phạm Tiến Dũng, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), thời điểm này, ông đã chuẩn bị ô úm riêng và sử dụng hệ thống đèn hồng ngoại điều chỉnh mức nhiệt ổn định trong khoảng 22-28 độ C để sưởi ấm cho gà. Với biện pháp này, có thể giúp cho đàn gia cầm mới nhập về được sưởi ấm, tránh được một số bệnh, nhất là bệnh liên quan đến vi khuẩn và nấm mốc, bảo đảm sinh trưởng, phát triển.

Cùng với chăn nuôi, các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét bảo vệ cây trồng trước tác động tiêu cực của thời tiết. Trên những cánh đồng màu, trồng hoa của các xã, thị trấn: Quảng Lưu, Tân Phong (Quảng Xương); Vạn Hòa, Vạn Thắng (Nông Cống); Hoàng Đạo, Hoằng Trinh, Hoằng Xuân (Hoằng Hóa); Đông Tiến, Đông Khê (Đông Sơn)... nông dân thực hiện tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trồng. Bón bổ sung phân kali, phân lân, giảm bón đạm để cây khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét. Là người có kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm, chị Nguyễn Thị Nga, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, chia sẻ: Gia đình chị vừa xuống giống lứa cúc mới để thu hoa vào dịp Tết Nguyên đán. Do đó, để cây sinh trưởng, phát triển tốt, chị đã chủ động che chắn bằng nilon, thắp điện để tăng nhiệt độ, giữ ấm cho hoa.

Lường trước được những khó khăn sẽ xảy đến đối với sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi trong mùa đông năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn đến các huyện, thị xã, thành phố, tuyên truyền, khuyến cáo đến bà con nông dân các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Theo đó, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do ngoài trời khi thời tiết rét đậm, phải nhốt trong chuồng có kiểm soát. Có thể sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng nuôi bằng trấu, mùn cưa, than củi... Lưu ý đối với gia súc, gia cầm non cần phải có ô úm riêng, có bóng điện sưởi bảo đảm nhiệt độ trong ô úm từ 22 - 28 độ C. Đối với diện tích cây trồng, thực hiện che bạt, phủ nilon trên những diện tích cây trồng ưa ấm, nhất là diện tích trồng các loại rau màu trái vụ. Đối với diện tích mạ sẽ được gieo cấy trong vụ đông xuân 2020-2021 chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp chống rét cho mạ.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 17322


Các tin khác:
 Tín hiệu tích cực từ thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi (03/11/2020)
 Đẩy mạnh tiêm phòng đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm (26/10/2020)
 Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững: Nhìn từ hệ thống trang trại bò sữa Vinamilk (29/09/2020)
 Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn bền vững (16/09/2020)
 Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi (13/06/2020)
 Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (08/06/2020)
 Khôi phục 96% tổng đàn lợn (08/06/2020)
 Bảo đảm nguồn giống phục vụ tái đàn lợn (05/06/2020)
 Người chăn nuôi gặp khó khăn khi tái đàn (29/05/2020)
 Chuyển đổi con nuôi sau “bão dịch” (27/05/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang