Số lượt truy cập
Hôm nay 14038
Hôm qua 58866
Tuần này 177608
Tháng này 3215434
Tất cả 193011018
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 14/04/2023
Một số lưu ý khi cai sữa cho lợn con

Cai sữa cho lợn con là một khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi lợn vì quá trình này quyết định rất lớn đến hiệu quả cũng như năng suất sau này. Dưới đây là một số lưu ý khi cai sữa cho lợn con.

1. Lựa chọn thời điểm cai sữa

Hiện nay các cơ sở chăn nuôi lợn thường cai sữa cho lợn con vào tuổi 21 ngày. Lựa chọn tuổi cai sữa 21 ngày là dựa trên cơ sở sinh học của lợn mẹ và lợn con. 

Về phía lợn mẹ, thời gian 21 ngày đủ để tử cung phục hồi, chuẩn bị đón lần chửa sau. Nếu cai sữa trước 21 ngày, tỷ lệ thụ thai sẽ giảm, tỷ lệ trứng thụ tinh cũng giảm và tỷ lệ phôi chết tăng.  

Về phía lợn con, chức năng giải phẫu của ống tiêu hoá và hệ thống enzyme để tiêu hoá các nguồn carbohydrat và protein không phải sữa chỉ thực hiện được khi lợn đạt 3 tuần tuổi. Ngoài ra khả năng miễn dịch của lợn con hoàn toàn phụ thuộc vào sữa của lợn mẹ trong khoảng 3-4 tuần đầu sau đẻ, chỉ sau tuổi này lợn con mới có miễn dịch chủ động và đủ khả năng để chống lại các loại vi khuẩn bệnh xâm nhập.  

Như vậy cai sữa 21 ngày là một biện pháp giúp lợn con có đủ khả năng sống bằng thức ăn rắn và sống độc lập không phụ thuộc vào mẹ. 

2. Chuồng nuôi lợn con cai sữa

         Chuẩn bị chuồng cho lợn con sau cai sữa: Trước 2 - 3 ngày bắt đầu cai sữa, cần vệ sinh sạch sẽ, phun sát trùng toàn bộ khu nuôi và chuẩn bị các vật tư cần thiết: Máng ăn, máng uống, đường nước, dụng cụ vệ sinh chuồng trại...

         Chuồng nuôi cần phải bố trí ở 1 khu riêng biệt, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa, độ ẩm thích hợp 65 - 70%. Trong chuồng nuôi lợn con phải có bóng đèn sưởi, nên giữ nhiệt độ chuồng nuôi tương đương với nhiệt độ chuồng nuôi trước cai sữa. Nhiệt độ thích hợp cho lợn con sau cai sữa từ 25 – 27oC. Thay đổi đột ngột nhiệt độ chuồng nuôi sẽ rất có hại cho lợn con, đặc biệt vào mùa đông lợn dễ bị viêm phổi.

         Máng ăn, máng uống: Cần có máng uống riêng, đặt ở độ cao thích hợp, không để lợn con trèo vào đái, ỉa và uống phải nước bẩn mất vệ sinh. Chiều dài máng ăn khoảng 20 cm/đầu lợn và nên chia ngăn để tất cả lợn con có thể được ăn cùng một lúc. Chiều cao máng khoảng 12-13 cm, chiều rộng đáy khoảng 20-22 cm.

         Mật độ nuôi: 3 con/1 m2, ≤ 10 con/1 ô chuồng (1 ô chuồng = 3 m2).

3. Chuyển lợn con sang chuồng cai sữa

         Trước khi cai sữa lợn con từ 3 – 5 ngày, hạn chế dần số lần lợn mẹ cho bú.    

         Để giảm tối đa những stress không cần thiết tác động lên lợn con, nên chuyển lợn sang chuồng cai sữa vào sáng sớm hoặc chiều mát, bắt và thả lợn nên nhẹ nhàng, từ tốn, không được mạnh tay.

         Chuẩn bị sẵn nước điện giải để bổ sung các chất khoáng cần thiết tránh stress. Tùy thuộc vào tình hình dịch tễ của khu vực, lựa chọn loại kháng sinh phổ rộng để phòng bệnh cho lợn con. Tiêm vaccine cho lợn con theo liệu trình để đảm bảo phòng bệnh hiệu quả.

         Tránh hiện tượng lợn con cắn nhau, có thể treo lốp xe ngang tầm mắt của lợn ở giữa chuồng hoặc sử dụng các đồ vật có màu sắc sặc sỡ như vỏ bao cám, bóng nhựa, chai nhựa...

4. Thức ăn và cách cho ăn

Đây là giai đoạn lợn con cần có chế độ dinh dưỡng tốt để có thể phát triển bộ xương và cơ bắp. 80% là tỷ lệ thức ăn tinh thích hợp trong giai đoạn sau cai sữa, nếu chúng ta cung cấp cho lợn khẩu phần ăn có lượng thức ăn tinh bột cao hơn 80% thì lợn con sẽ béo sớm và khả năng tăng trọng sẽ giảm.

Thức ăn cho lợn con sau cai sữa phải dễ tiêu, có hàm lượng dinh dưỡng cao, đủ chất, không bị ôi thiu, mốc… nên dùng thức ăn hỗn hợp cho lợn con sau cai sữa, có thể phối trộn từ bột ngô, bột đậu tương, gạo lứt, tấm xay, bột cá nhạt, bột xương…

Cách cho ăn khi cai sữa:

Ngày sau cai sữa

Thức ăn tập ăn (%)

Thức ăn của lợn sau cai sữa (%)

Ngày thứ 1

100

0

Ngày thứ 2

75

25

Ngày thứ 3

50

50

Ngày thứ 4

25

75

Ngày thứ 5

0

100

Sau cai sữa, quan sát nếu không thấy hiện tượng tiêu chảy, nâng dần lượng thức ăn theo mức ăn tăng của đàn lợn. Thông thường cho lợn ăn khẩu phần ăn tự do.

5. Vệ sinh phòng bệnh

- Lợn con sau cai sữa thường gặp 2 bệnh chính là bệnh tiêu chảy và viêm phổi. Cần phòng tránh và phát hiện sớm, can thiệp kịp thời khi bị bệnh.

- Đảm bảo thức ăn, nước uống và chế độ chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý.

- Vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống thường xuyên.

- Không để lợn con bị lạnh, gió lùa, sàn chuồng ẩm ướt.

- Tiêm phòng đầy đủ cho lợn con.

Nguồn tin: Nguyễn Đình Đức - Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 8553


Các tin khác:
 Hiệu quả cao từ sản xuất vùng nguyên liệu rau cải bó xôi xuất khẩu tại xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (04/04/2023)
 Định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nghề nuôi cá lồng tại Thanh Hóa (04/04/2023)
 Tiềm năng, cơ hội phát triển nghề nuôi rươi - lúa. (04/04/2023)
 Nuôi tôm công nghệ cao theo hướng VietGap (04/04/2023)
 Một số biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo cây keo  (04/04/2023)
 Mô hình Sản xuất ngô lai F1 trên vùng đất không chủ động nước gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm (04/04/2023)
 Cây ngô ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Thọ Xuân (30/03/2023)
 Kết quả thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm  (30/03/2023)
 Mô hình “Chăn nuôi ngan gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” trên địa bàn Thanh Hóa đạt hiệu quả kinh tế cao (30/03/2023)
 Nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ tại xã Tam Chung huyện Mường Lát (30/03/2023)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang