Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã tập trung, thống nhất, quyết liệt trong hành động, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng Đảng bộ, đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chú trọng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính kết hợp xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên với phẩm chất “6 dám” ngang tầm nhiệm vụ.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu lên nội dung rất mới về xây dựng cán bộ “6 dám: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Phẩm chất “6 dám” của người cán bộ là một chỉnh thể nhân cách của những người năng động, dũng cảm, sáng tạo vì lợi ích chung.
Về nội hàm “Dám” là không sợ sệt, không lo ngại để đương đầu với những khó khăn, thách thức, những việc chưa được làm trước đó, mạnh dạn đưa ra những nội dung mới chưa được đưa vào cơ chế, chính sách trước đó. Cụ thể:
- “Dám nghĩ” là việc đưa ra những ý tưởng mới, độc đáo, đột phá, sáng tạo so với trước đó. Những ý tưởng mới này sẽ tạo nên sự thay đổi về cách làm, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của tổ chức; có ảnh hưởng, tác động tích cực cho tổ chức, cho nhiều người. Dám nghĩ là phẩm chất đầu tiên làm cơ sở cho các hành động tiếp theo để hiện thực hóa ý tưởng trong thực tiễn. Dám nghĩ không phải là duy ý chí, mơ mộng viển vông, mà là biểu hiện của năng lực tư duy, tầm nhìn sâu rộng với mục tiêu hướng đến lợi ích chung, khai thông mở lối cho sự phát triển.
- “Dám nói” là thể hiện chính kiến, quan điểm, thái độ dứt khoát trong bày tỏ quan điểm của một người trước sự đúng - sai, tốt - xấu của một người, một việc. Chỉ khi đủ bản lĩnh, sự công tâm, thẳng thắn thì mới có thể đánh giá, xem xét, nhận định đúng đắn một người, một sự việc trong một hoàn cảnh, một trường hợp cụ thể. Đối lập với “dám nói” là sợ sệt, co ro, “dĩ hòa vi quý” để giữ hòa khí, dễ ngả nghiêng, dao động “gió chiều nào theo chiều ấy” cho an toàn, êm ấm và suy cho cùng, là biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi.
- “Dám làm” là thể hiện sự dấn thân, quyết liệt, quyết tâm của một người khi dám vượt qua những quy định, quy chế để biến ý tưởng thành hành động nhằm đạt được những mục tiêu đề ra vì lợi ích chung, vì sự phát triển chung của xã hội. Dám làm không có nghĩa là làm liều, làm trái pháp luật, cố tình vi phạm pháp luật, mà là chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có cách làm phù hợp với thực tế, “cởi trói” cơ chế không còn phù hợp để mở đường cho sự phát triển.
- “Dám chịu trách nhiệm” là dám nhận nhiệm vụ, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, dám đối mặt với khó khăn, thách thức và cả những rủi ro ngoài ý muốn để hoàn thành nhiệm vụ. Nói cách khác, “dám chịu trách nhiệm” là dám nhận nhiệm vụ và chịu trách nhiệm đối với sự thành công hay thất bại khi thực hiện nhiệm vụ ấy để đạt được mục tiêu và hiệu quả trong thực tế.
- “Dám đổi mới sáng tạo”: đổi mới là quá trình chuyển đổi những cái cũ thành cái mới tốt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn. Đó là quá trình biến những ý tưởng sáng tạo trở thành những sản phẩm, dịch vụ, quy trình mới. Đổi mới gắn liền với sáng tạo và cần phải đổi mới sáng tạo vì nếu không đổi mới sáng tạo thì sẽ không thể tồn tại và phát triển trong một môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao. Dám đổi mới sáng tạo là dám vận dụng những ý tưởng mới, sáng kiến mới vào thực tiễn để tạo nên những thay đổi mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực về vật chất, tinh thần, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tập thể, tổ chức và toàn xã hội.
- “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”: “Đương đầu” là đối mặt, chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và lực lượng để chủ động đối phó với mọi thách thức, khó khăn mà thực tiễn đặt ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, sự đương đầu, đối mặt này không phải để đem lại lợi ích cho cá nhân, mà đem lại lợi ích chung. Một người, một cán bộ chỉ dám đương đầu với khó khăn, thách thức và quyết liệt trong hành động khi có đủ bản lĩnh, nghị lực và quyết tâm chính trị cao. Đó là lòng kiên trì, dũng cảm, quyết tâm và kiên quyết trong hành động để thực hiện cho bằng được mục tiêu đã đặt ra.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ, thì phẩm chất “6 dám” chính là một chỉnh thể trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên năng động, dũng cảm vì lợi ích chung để xây dựng, phát triển đơn vị. Trong bối cảnh hiện nay, cần làm cho phẩm chất “6 dám” ngày càng lan tỏa, trở thành tố chất không thể thiếu của mỗi người cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để phẩm chất “6 dám” trong mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng phát triển mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp:
Một là, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo đơn vị một mặt cần quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích và bảo vệ phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên theo tinh thần kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đồng thời cần gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, để “bộ lọc” những người lợi dụng, nhân danh đột phá, sáng tạo nhưng vì động cơ vị kỷ, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các phòng, đơn vị, tổ trạm trực thuộc; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết điều chuyển, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực yếu kém, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao theo đúng tinh thần Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 29/5/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hai là, tự thân cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng bản lĩnh chính trị, rèn luyện tính chiến đấu để trở thành một cán bộ, đảng viên “6 dám” đúng nghĩa. Tính chiến đấu, sự dũng cảm, đức hi sinh là những tố chất cần phải có ở mỗi cán bộ, đảng viên. Việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân của mỗi cán bộ, đảng viên thực sự cũng là một cuộc chiến. Chỉ có chiến thắng được chính bản thân thì cán bộ, đảng viên mới thực sự trở thành người cách mạng chân chính, xứng đáng với sự tin yêu của quần chúng nhân dân.
Trích dẫn nguồn:
1. Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung;
2. Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 29/5/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
3. Bài viết “Xây dựng phẩm chất “6 dám” trong văn hóa lãnh đạo của cán bộ cấp chiến lược ở Việt Nam hiện nay”. TS. Bùi Thị Thu Hiền – Học viện chính trị Khu vực II.