Số lượt truy cập
Hôm nay 24157
Hôm qua 39190
Tuần này 128861
Tháng này 3166687
Tất cả 192962271
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 25/06/2021
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời điểm này, nắng nóng gay gắt làm tăng nhiệt khu vực chuồng trại, ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng của đàn vật nuôi; tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Trước tình hình đó, để bảo vệ đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và ứng phó với nắng nóng.

Là một trong những hộ có quy mô chăn nuôi lớn trên địa bàn xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), ngay từ đầu mùa nóng, gia đình chị Lê Thị Hạnh đã chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng cho đàn gà. Chị Hạnh cho biết: Những năm trước, vào thời điểm nắng nóng, do mật độ nuôi dày, không khí trong chuồng ngột ngạt nên đã có một số lượng lớn gà chết do ngạt thở. Năm nay, được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, gia đình đã đầu tư lắp đặt hệ thống làm mát bằng quạt gió, kết hợp với máy phun nước tự động trên mái chuồng trại để làm giảm nhiệt độ. Bên cạnh đó, chủ động vệ sinh chuồng trại, xây dựng thêm chuồng để tách đàn, giảm mật độ vật nuôi trong thời điểm nắng nóng. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, chủ động cung cấp đủ nước sạch cho gà uống cả ngày; đồng thời, bổ sung vitamin C vào nước uống nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Nhờ sự chủ động này, chất lượng đàn gà của chị được bảo đảm.

Người dân huyện Cẩm Thủy tích cực thực hiện vệ sinh, sát trùng chuồng trại.

Là hộ chăn nuôi lợn lâu năm, gia đình ông Trịnh Xuân Đống, xã Quý Lộc (Yên Định) luôn đặt vấn đề bảo vệ an toàn đàn vật nuôi lên hàng đầu. Trong bối cảnh dự báo tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ có nguy cơ xâm nhập, lây lan vào địa bàn tỉnh, cùng với thời tiết nắng nóng gay gắt, ngay từ đầu mùa hè, ông Đống đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. Trong đó, chú trọng giữ cho chuồng nuôi luôn thoáng mát, sạch sẽ; lắp đặt xốp làm mát mái; thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh. Bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng để đàn lợn tăng sức đề kháng, phát triển khỏe mạnh. Những ngày nắng nóng, gia đình thường phun nước trực tiếp lên mái chuồng, điều chỉnh giờ ăn... Ông Đống cho biết thêm: “Tôi thường xuyên thông tin, trao đổi với cán bộ thú y để có những biện pháp chống nóng, phòng dịch bệnh đúng kỹ thuật, bảo đảm cho đàn lợn sinh trưởng tốt”.

Để duy trì, phát triển ổn định hoạt động chăn nuôi trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là trong mùa nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không chăn thả vật nuôi khi trời nắng nóng, nhiệt độ cao. Bên cạnh biện pháp làm mát chuồng trại, cần cung cấp nước uống sạch và thức ăn dễ tiêu hóa, có bổ sung vi lượng cần thiết. Bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp. Những ngày nắng nóng cần phun nước lên mái, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để làm mát, tránh tăng độ ẩm trong chuồng nuôi; khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải. Vào những ngày nắng nóng gay gắt, người chăn nuôi nên cho vật nuôi ăn nhiều bữa trong ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, hạn chế cho ăn buổi trưa khi trời nắng nóng; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cho uống Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa... Hằng ngày, cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ trong và xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả...; đồng thời, cần giãn mật độ nuôi nhốt đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực thực hiện công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi; triển khai kế hoạch tiêm phòng theo đúng quy định. Hiện nay, trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp; để kịp thời ngăn chặn bệnh xâm nhập, tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh, không để dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đang xảy ra trên diện rộng, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh, nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng. Phân công lực lượng chủ động giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi bệnh xuất hiện, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tổ chức quản lý chặt tổng đàn lợn, công tác tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn, không cho tái đàn, tăng đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, chỉ đạo trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị trực thuộc tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 17883


Các tin khác:
 Bảo vệ cây trồng, vật nuôi mùa nắng nóng (23/06/2021)
 Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững: Tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị (07/06/2021)
 Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững: Cơ chế, chính sách khuyến khích - động lực để phát triển chăn nuôi (05/06/2021)
 Chăn nuôi an toàn sinh học vượt qua “bão” dịch bệnh (11/05/2021)
 Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Như Xuân (10/05/2021)
 Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu, bò đạt hơn 96% (06/05/2021)
 Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn (29/04/2021)
 Thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi năm 2021 (22/04/2021)
 Thanh Hóa nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh viên da nổi cục trên trâu bò (22/04/2021)
 Giải pháp cho chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi (22/04/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang