Số lượt truy cập
Hôm nay 57746
Hôm qua 39190
Tuần này 162450
Tháng này 3200276
Tất cả 192995860
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 01/05/2020
Tháo gỡ khó khăn cho các HTX nông nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19

Cũng như nhiều thành phần kinh tế khác, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh COVID-19.

Sản xuất ngưng trệ, hàng hóa tồn đọng, doanh thu giảm sút, đời sống của các xã viên và người lao động đang gặp khó khăn là những gì các HTX nông nghiệp đang phải đối mặt.

Gần 2 tháng nay, việc sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp Thiệu Hợp, xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) gần như bị ngưng trệ. Các hợp đồng cung ứng sản phẩm rau an toàn cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh đã được ký từ đầu năm 2020 gần như bị hủy bỏ. Sản phẩm chỉ được tiêu thụ cầm chừng tại các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định và TP Hà Nội. Từ ngày 1-4 đến nay, nguồn tiêu thụ này cũng hoàn toàn bị đóng băng do HTX và các đơn vị tiêu thụ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Do không có thị trường tiêu thụ, nên 0,5 ha cải bắp và 0,5 ha cà tím của HTX đến kỳ thu hoạch đành phải phá bỏ hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Khoa, giám đốc HTX nông nghiệp Thiệu Hợp, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, chia sẻ: Khoảng 1 tháng nay, hàng hóa bị ngưng trệ, song để bảo đảm đời sống cho người lao động, HTX vẫn phải duy trì sản xuất và tự tìm thị trường tiêu thụ nội địa trong phạm vi hẹp, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Hơn nữa, thời gian qua, HTX đã vay 500 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, nên HTX đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề trả lãi suất và nguồn vốn để tái đầu tư phát triển sản xuất.

Những ngày qua, ban giám đốc và các xã viên của HTX nông nghiệp xã Hoa Lộc (Hậu Lộc) đứng ngồi không yên vì hàng chục ha ớt chỉ thiên, cà chua bi và dưa chuột xuất khẩu đành để héo úa, chín rụng, không thu hoạch do không có thị trường tiêu thụ. Bà Phạm Thị Duân, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, than thở: Cùng kỳ năm ngoái, giá ớt chỉ thiên được doanh nghiệp thu mua 40.000 - 50.000 đồng/kg, dưa chuột từ 13.000 đến 15.000 đồng/kg... Tuy nhiên, hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ớt chỉ thu mua với giá 7.000 - 9.000 đồng/kg, dưa chuột xuất khẩu chỉ từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg. Với giá thu mua này, không đủ để trả công thu hoạch cho người lao động, nên nhiều xã viên không thu hoạch mà để sản phẩm chín rụng, héo úa ngay tại ruộng. Thời điểm này, chỉ có cà chua bi là vẫn được doanh nghiệp thu mua theo đúng giá cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, do doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với HTX ở tỉnh ngoài, nên thời gian vừa qua không thể tiến hành thu mua và vận chuyển theo đúng lịch, vì vậy, nhiều đợt cà chua đến thời kỳ thu hoạch bị quá lứa, phải vứt bỏ, thiệt hại ước khoảng 30% sản lượng. Theo tính toán của bà Duân, tổng thiệt hại của HTX và các xã viên trong HTX đã lên tới gần 20 tỷ đồng. Do thiệt hại quá lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư hạn chế, nên hiện HTX nông nghiệp xã Hoa Lộc đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 200 HTX nông nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, chủ yếu là các HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, cung ứng, bao tiêu các sản phẩm. Nguyên nhân bị ảnh hưởng là do các HTX nông nghiệp nói trên có đơn hàng sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với các trường học, nhà hàng, siêu thị, các khu du lịch và cung ứng nông sản ra tỉnh ngoài. Tuy nhiên, do đa phần các bếp ăn tập thể đang tạm dừng hoạt động, việc thông thương giữa các tỉnh bị hạn chế, nên nguồn hàng đang bị tồn đọng. Ước tính, tỷ lệ ảnh hưởng trong sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm của số HTX nông nghiệp nói trên khoảng từ 50 đến 70%.

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX nông nghiệp đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hiện tại, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương tổ chức rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX bị ảnh hưởng để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa. Định hướng sản xuất các sản phẩm phù hợp trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, đề nghị với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn có chính sách giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ đối với các HTX nông nghiệp đang vay vốn để sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 26341


Các tin khác:
 Thanh Hóa ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực (01/05/2020)
 Toàn tỉnh có 1.127 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (30/03/2020)
 87 HTX nông nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 (30/03/2020)
 Phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu (27/03/2020)
 Tiêu chí kinh tế trang trại (24/03/2020)
 Gỡ “nút thắt” trong liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp (19/03/2020)
 Phát triển Chương trình OCOP, tạo đà cho huyện Triệu Sơn “cất cánh” trên “đường băng” nông thôn mới (18/03/2020)
 Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi (18/03/2020)
 Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (10/03/2020)
 Triển khai các chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (09/03/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang