Số lượt truy cập
Hôm nay 11080
Hôm qua 58866
Tuần này 174650
Tháng này 3212476
Tất cả 193008060
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 21/09/2020
Để nông nghiệp bắt kịp xu hướng hiện đại - Bài cuối: Để ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững

Để có cái nhìn tổng thể về vị trí, sự phát triển của nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện nay và có các giải pháp, định hướng phát triển nông nghiệp theo xu thế hiện đại trong tương lai, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm vùng sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tượng Văn (Nông Cống)


PV: Nếu xếp mức độ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay thành 4 mức: Hiện đại, khá, trung bình, lạc hậu, xin đồng chí cho biết thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đang ở mức nào?

Đồng chí Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT:

Theo tôi, để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải tổ chức một cuộc điều tra, đánh giá toàn diện, trên cơ sở các tiêu chí, tiêu chuẩn mang tính quốc gia, quốc tế đã được công bố, so sánh với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó mới có câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi: “Thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đang ở mức nào?”. Tuy nhiên, chúng ta có thể đánh giá cụ thể thực trạng 4 lĩnh vực chính của ngành nông nghiệp là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.

Hiện nay, trồng trọt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có thể đánh giá ở mức “trung bình khá”, do vẫn còn tồn tại các hình thức sản xuất từ lạc hậu nhất (sản xuất của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mường Lát, với điều kiện sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên); đến hiện đại nhất, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quy trình sản xuất (sản xuất dưa lưới Taki với quy trình, công nghệ được chuyển giao từ Nhật Bản tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, sản xuất dưa vàng ở Công ty CP Mía đường Lam Sơn...).

Chăn nuôi, nhìn chung đang ở mức “khá”, chúng ta có thể thấy rõ sự chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ, lẻ, gia trại sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp lớn, áp dụng công nghệ hiện đại đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, có thể kể đến: Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi Newhope đầu tư trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thịt; Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH đầu tư xây dựng các trại bò sữa; Công ty CP Nông sản Phú Gia và Tập đoàn Mastergood - Hunggary liên kết đầu tư xây dựng trang trại, Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu VietAvis theo chuỗi công nghệ cao – 4A (an toàn đầu tư, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường).

Thủy sản đang ở mức “trung bình khá” bởi lẽ tỉnh ta, đang phát triển nhiều vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, như: Nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cá giò, cá mú ở khu vực biển Hòn Mê, nuôi cá lồng trên các hồ chứa... Khai thác hải sản, chuyển mạnh từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm...

Sản xuất lâm nghiệp ở mức độ “trung bình”, bởi sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa hình và thiên nhiên. Tuy vậy, trong sản xuất lâm nghiệp bước đầu đã ứng dụng công nghệ mô, hom trong sản xuất giống cây lâm nghiệp; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất (khâu thu hoạch đạt 70%, khâu chế biến đạt 90%); thúc đẩy thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 20.000 ha để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Từ kết quả đánh giá 4 lĩnh vực trên, chúng ta có thể nhận định rằng: “Thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang ở mức trung bình khá”.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn của tỉnh Thanh Hóa trên từng lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ, ngọt; lâm nghiệp?

Đồng chí Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT:

Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn.

Thanh Hóa có 3 vùng sinh thái trung du miền núi, đồng bằng và ven biển, có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với nhiều đặc điểm riêng biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh của tỉnh, như: Hệ thống giao thông thuận lợi và đa dạng; có Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân; Cửa khẩu quốc tế Na Mèo; Cảng nước sâu Nghi Sơn; Khu Kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.

Thanh Hóa có số dân trên 3,64 triệu người, đứng thứ 3 cả nước, lực lượng lao động dồi dào với trên 2,4 triệu người; diện tích tự nhiên trên 11 nghìn km2, đứng thứ 5 cả nước; diện tích đất nông nghiệp trên 900.000 ha, với diện tích đất trồng lúa 138.000 ha, lớn nhất khu vực miền Bắc; hàng năm sản xuất khoảng 235.000 ha lúa; đất lâm nghiệp có rừng trên 645.000 ha (đứng thứ 3 cả nước); đất nuôi trồng thủy sản 19.000 ha và vùng lãnh hải rộng lớn với bờ biển dài 102km, 7.180 tàu cá, thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; có 610 hồ chứa và 24 sông lớn nhỏ...

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020–2025 tiếp tục xác định chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là một trong 6 chương trình trọng tâm, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp... Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đã và đang hình thành, mang lại hiệu quả thiết thực, là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn.

Những năm qua, bằng sự nỗ lực thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư và đăng ký đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa.

PV: Cái thiếu và yếu để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững của tỉnh Thanh Hóa hiện nay là gì, thưa đồng chí.

Đồng chí Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT:

Bên cạnh những tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; những cái thiếu và yếu để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đó là: Thanh Hóa là tỉnh rộng, địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối, nhất là khu vực miền núi; diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ (bình quân 1.000 - 3.000m2/hộ); việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao mới đạt kết quả bước đầu. Đi đôi với đó, thời tiết diễn biến bất thường, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường hơn, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Thanh Hóa nằm ở khu vực trọng điểm của thiên tai, hầu như không có năm nào không phải gánh chịu thiên tai, hàng năm bão lụt, hạn hán, lốc, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất,... gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản (thiệt hại năm 2017 là 4.799 tỷ đồng, năm 2018 là 2.909 tỷ đồng, năm 2019 là 1.403 tỷ đồng).

Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, kể cả các sản phẩm chủ lực, khâu chế biến còn yếu, chưa có chế biến sâu, thị trường tiêu thụ không ổn định, sản phẩm có thương hiệu mạnh hầu như chưa có. Hiện nay, Thanh Hóa vẫn là địa phương phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương; trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn eo hẹp, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; nhất là việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao.

PV: Xin đồng chí cho biết, hiện ngành nông nghiệp có những định hướng lớn nào cho phát triển nông nghiệp?

Đồng chí Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT:

Ngày 5-8-2020 vừa qua, Thanh Hóa đã được Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng, Nghị quyết số 58-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong phần quan điểm của nghị quyết có nêu “Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị tăng cao là nền tảng...”. Đó đã là định hướng lớn nhất cho ngành để phát triển trong thời gian tới rồi. Còn nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp là phải làm như thế nào để đạt được kết quả như đã định hướng.

Và để làm được điều đó, ngay sau khi Nghị quyết số 58-NQ/TW được ban hành, ngành nông nghiệp chúng tôi đã kịp thời đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đưa vào chương trình hành động của Tỉnh ủy, mà cụ thể là bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 2,6% trở lên; ngành NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, trọng tâm là thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; tăng cường hợp tác với các trường học, viện, học viện, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả.

Là địa phương duy nhất trong cả nước có Viện Nông nghiệp. Do đó, thời gian tới sẽ tập trung nâng cao năng lực cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa để góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp đủ mạnh, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực mới cho phát triển.

Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản, các hoạt động kết nối cung cầu; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tham gia các hội chợ quốc tế lớn ngành nông nghiệp tại các thị trường trọng điểm để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đang có triển vọng, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ Trung ương, vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn, như WB, ADB, Keximbank, JICA,... nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

PV: Đồng chí có kiến nghị gì với Trung ương, tỉnh để phát triển ngành NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay?

Đồng chí Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT:

Trong giai đoạn tới, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vẫn được xác định là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, là nền tảng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, là trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi tình huống.

Để phát triển ngành NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay cho từng lĩnh vực của ngành; bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đề nghị với Trung ương, tỉnh một số nội dung:

Đề nghị Quốc hội:

(1). Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai tạo hành lang pháp lý thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Cụ thể, bỏ quy định hoặc tăng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều 130, Luật Đất đai năm 2013; điều chỉnh quy định về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai trong trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất tại Khoản 2, Điều 191, Luật Đất đai năm 2013; bổ sung quy định cụ thể về hình thức góp quyền sử dụng đất nông nghiệp, đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp (trình tự, hồ sơ, đối tượng áp dụng)...

(2). Ưu tiên đầu tư vốn trung hạn cho giai đoạn 2021-2025, đảm bảo đủ nguồn lực để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Đề nghị Chính phủ:

(1). Tăng nguồn kinh phí hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nhất là nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, mục tiêu (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới) và nguồn kinh phí thực hiện các chính sách của Trung ương đã ban hành, như: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4 -2018 của Chính phủ; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ.

(2). Có chính sách mạnh hơn nữa, cụ thể hơn nữa nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đề nghị Bộ NN&PTNT:

(1). Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đập Cẩm Hoàng trên sông Mã để khắc phục tình trạng cạn kiệt nguồn nước do biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác bền vững tài nguyên nước, tưới chủ động cho trên 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và cho công nghiệp các huyện thuộc vùng Bắc sông Mã (Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Nga Sơn);

(2). Đầu tư hệ thống tưới ven đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển trên 20.000 ha đất nông nghiệp tại các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, hình thành xa lộ nông nghiệp ven đường Hồ Chí Minh;

(3). Tiếp tục quan tâm đầu tư giai đoạn 2 dự án tiêu úng vùng III Nông Cống và nghiên cứu triển khai nhiệm vụ tiêu úng đối với khu vực Nam Ninh Bình - Bắc Thanh Hóa nhằm tiêu úng cho các huyện, thị xã Hà Trung, Bỉm Sơn, Nga Sơn;

(4). Để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, bổ sung các dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Bộ NN&PTNT quản lý, gồm: dự án củng cố bảo vệ và nâng cấp tuyến đê biển huyện Nga Sơn và dự án xử lý cấp bách các trọng điểm xung yếu, hoàn thiện mặt cắt tuyến đê tả, hữu sông Chu trên địa bàn các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa;

(5). Đề nghị các bộ, ngành, Trung ương bố trí vốn để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thanh Hóa theo Quyết định 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, ngành NN&PTNT rất mong tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; các ban, sở, ngành, các địa phương, đoàn thể, cơ quan thông tấn, báo chí, các thành phần kinh tế và bà con nông dân. Đến hết năm 2020, các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp do tỉnh ban hành sẽ hết hiệu lực, đề nghị tỉnh có chủ trương cho ngành NN&PTNT rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách, giai đoạn 2021–2025. Ưu tiên bố trí vốn thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nhất là nguồn vốn để nâng cấp, kiên cố hệ thống đê điều, hồ đập, các công trình trọng điểm xung yếu về phòng, chống thiên tai của tỉnh nhằm chủ động ứng phó với thiên tai. Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nguồn tin: baothanhhoa.com
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 9616


Các tin khác:
 Kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh (18/09/2020)
 Bài 1: Nông nghiệp Thanh Hóa trên con đường hội nhập (17/09/2020)
 Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 5 (17/09/2020)
 Tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (16/09/2020)
 Công điện khẩn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang tiến vào Biển Đông (16/09/2020)
 Phương án tuyển dụng viên chức Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu năm 2020 (15/09/2020)
 Phương án tuyển dụng viên chức Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh năm 2020 (15/09/2020)
 Phương án tuyển dụng viên chức chi cục Kiểm lâm năm 2020 (15/09/2020)
 Thông báo về việc bổ sung chuyên ngành xét tuyển viên chức năm 2020 tại Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa (14/09/2020)
 Bố trí lâu dài 4 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa (03/09/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang