Số lượt truy cập
Hôm nay 29601
Hôm qua 58866
Tuần này 193171
Tháng này 3230997
Tất cả 193026581
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 12/09/2022
Phương pháp chăm sóc đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão

            Công tác phòng chống, chăm sóc, bảo vệ cho vật nuôi trong mùa mưa lũ là hoạt động cần thiết, quan trọng và có tính ưu tiên cao nhằm bảo vệ an toàn duy trì hoạt động bình thường cho vật nuôi. Khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh trên đàn vật nuôi. Để bảo vệ sức khỏe cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão, bà con nông dân cần thực hiện những phương pháp chăm sóc sau:

          I. Trước mùa mưa bão

         1. Xem diễn biến thời tiết, chủ động các phương án

         Hàng ngày chú ý theo dõi thông tin về diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng vào các buổi sáng sớm, trưa, tối để chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật về che chắn chuồng trại và chuẩn bị cho ngày hôm sau.

            Xây dựng phương án chuẩn bị thức ăn nước uống cho con vật kể cả các biện pháp sơ tán đàn vật nuôi khi bị úng ngập bằng các phương tiện vận chuyển như xuồng, thuyền, bè,…

         2. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt và bị ngập lụt

        Không làm chuồng trại chăn nuôi gần bờ sông, bờ suối,… để tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, cần chủ động đảm bảo chuồng trại vững chắc, chằng chống, gia cố, che chắn để không bị mưa tạt, gió lùa (nhất là đối với chuồng nuôi gia súc, gia cầm còn nhỏ vì chúng rất mẫn cảm với thời tiết) nền chuồng phải luôn khô ráo, sạch sẽ. Nếu chuồng nuôi lợp bằng lá, tôn, fibro xi măng chưa kiên cố thì có thể giằng lên mái các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có gió lớn, bão xảy ra.

        Những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ, lụt kéo dài cần chuẩn bị phương án di dời đàn vật nuôi đến những nơi an toàn lên những vùng đất cao, làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ đầy đủ thức ăn và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Sử dụng máy phát điện để cung cấp kịp thời khi mất điện lưới cho các lò ấp trứng giống đảm bảo có con giống chất lượng để tái đàn; Chuẩn bị vật tư để làm lán trại di dời vật nuôi ra khỏi vùng nguy cơ ngập úng và có phương án phòng chống đói rét.

             Kiểm đếm đánh giá hiện trạng vật nuôi, xuất bán kịp thời khi đến tuổi, trọng lượng xuất bán.

             Thức ăn: căn cứ vào số lượng, loại vật nuôi, lượng thức ăn tiêu thụ/ngày để lập kế hoạch dự trữ thức ăn đầy đủ.

              Gia súc: Cần dự trữ rơm, ngọn sắn, ngọn mía, cỏ khô, thân cây ngô, thân cây lạc, đậu tương,… nên tiến hành thu gom thành đống, che kín để tránh mưa ướt hoặc ủ rơm với u rê để nâng cao giá dị dinh dưỡng và tăng tỷ lệ tiêu hóa.

             Gia cầm: bột ngô, khoai, sắn, bột đậu tương, cám gạo, … và thức ăn công nghiệp.

             Nước uống: Dự trữ nước sạch, tu sửa máy bơm, hệ thống dẫn nước đảm bảo nguồn cung dự phòng kịp thời.

            Phát quang bụi rậm, cỏ dại, cây cối xung quanh chuồng nuôi. Quét dọn, thu gom phân rác, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chăn nuôi. Phun phun thuốc tiêu trùng khử độc như: BKA, bencocid,… rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi. Kiểm tra, khai thông hệ thống thoát nước của khu vực chuồng trại như hệ thống thoát nước thải, nước mưa, nơi chứa chất thải rắn, nhằm hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt.

            Kiểm tra sự hoạt động của hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi như: hố ủ phân, bể lắng, công trình khí sinh học (biogas).

Tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi: Vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để phòng bệnh.

             Thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y tại địa phương.

             II. Trong và sau mưa bão

              1. Trong mưa bão

           Thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi để cho gia súc, gia cầm luôn ở nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì gia súc, gia cầm trong môi trường ẩm ướt sẽ rất dễ mắc bệnh. Hạn chế chăn thả trong mùa mưa lũ. Di dời đàn vật nuôi lên cao để tránh úng ngập. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi.

           Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó. Định kỳ 1 - 2 lần/ tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định.

            Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Cung cấp đủ thức ăn xanh cho trâu bò, có thể bổ sung thêm thức ăn tinh cho chúng.  Đối với lợn con và gà con ở giai đoạn úm nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.

              Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật  nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn…, để cách ly kịp thời và có biện pháp điều trị thích hợp. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, phải báo ngay cho thú y viên, trưởng thôn và chính quyền địa phương hoặc Trạm Thú y cấp huyện để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.

            2. Sau mùa mưa, bão

            Tiến hành vệ sinh sạch sẽ, phun khử trùng, rắc vôi, thay đệm lót… tạo môi trường khô, ấm cho vật nuôi. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng, men tiêu hóa để tăng đề kháng, đảm bảo vật nuôi phát triển tốt và khỏe mạnh. Tách riêng những con vật bị ốm để chăm sóc điều trị.

          Nạo vét bùn đất, thu gom phân rác, xác chết động vật. tiến hành rắc vôi, đào hố chôn lấp cẩn thận tránh nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Vệ sinh chùi rửa toàn bộ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Sau khi vệ sinh sạch sẽ,  quét vôi tường chuồng và tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại.

           Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh./.

Nguồn tin: Nguyễn Đình Đức -Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 9289


Các tin khác:
 Thanh Hóa: Bàn giao gà giống và thuốc thú y cho các hộ tham gia mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2022 (07/09/2022)
  Nuôi vịt trong nhà lạnh theo kỹ thuật của công ty CP (24/08/2022)
  Hiểu đúng câu tục ngữ "Cà làng Hạc ăn gãy răng" (24/08/2022)
  Thăm và kiểm tra các mô hình sản xuất lúa vụ Mùa thuộc chương trình khuyến nông địa phương năm 2022 (15/08/2022)
  Lợi ích và hiệu quả từ việc nuôi cá biển trong ao đất (15/08/2022)
  Một số quan tâm khi tự phối trộn thức ăn trong chăn nuôi (15/08/2022)
 Thanh Hóa : Hiệu quả mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc (03/08/2022)
  Khởi nghiệp thành công nhờ nuôi vịt siêu thịt kết hợp nuôi cá nước ngọt (03/08/2022)
 Hiệu quả bước đầu mô hình “Chăn nuôi vịt thịt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” tại xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (15/07/2022)
  Hiệu quả bước đầu mô hình trồng keo lai mô tại xã Thạch Lâm huyện Thạch Thành (12/07/2022)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang