Số lượt truy cập
Hôm nay 21711
Hôm qua 39190
Tuần này 126415
Tháng này 3164241
Tất cả 192959825
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 12/09/2019
Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững

Quản lý rừng bền vững là một bộ phận của phát triển bền vững, nghĩa là sự phát triển có hiệu quả về kinh tế, không gây tác hại đến môi trường sống (kể cả của người và các loài sinh vật) và có đóng góp thiết thực cho giải quyết các vấn đề xã hội cho hiện tại và tương lai. Phát triển bền vững là một yêu cầu cấp bách hiện nay của toàn thế giới, vì trong quá khứ và hiện tại, sự phát triển không bền vững đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống, đe dọa sự sống còn của chính con người...

Hiện nay, trên thế giới cũng như Việt Nam, quản lý rừng không bền vững đã và đang là nguyên nhân chủ yếu làm cho diện tích rừng ngày một giảm, năng suất và chất lượng rừng ngày càng kém, nhiều loài cây rừng và động vật hoang dã ngày càng ít đi hoặc tuyệt chủng. Môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng như lũ lụt, khô hạn, xói mòn đất ngày một gia tăng. Đời sống của người dân, nhất là ở các cộng đồng địa phương sống trong và gần rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với việc phát triển rừng trồng nhanh chóng như hiện nay, nếu việc chọn loài cây trồng không phù hợp có thể làm xói mòn đất, rừng bị sâu bệnh, năng suất kém; không giải quyết tốt các vấn đề xã hội trong quản lý rừng sẽ dẫn đến khai thác trộm hoặc lấn chiếm đất rừng, ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của rừng... Bên cạnh đó, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) là bước ngoặt lịch sử của ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. VPA nhằm mục đích đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào châu Âu là hợp pháp và thúc đẩy quản lý rừng bền vững ở các nước xuất khẩu gỗ thông qua nâng cao hiệu lực pháp luật và năng lực quản lý điều hành.



Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.120.600 ha diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp 647.677 ha, chiếm hơn 53% diện tích chung của toàn tỉnh. Rừng tự nhiên là rừng phòng hộ và đặc dụng 246.000 ha, rừng sản xuất chủ yếu là rừng trồng 366.000 ha. Ngoài ra, Thanh Hóa còn là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước, với 71.053 ha. Sản lượng khai thác gỗ những năm gần đây đạt 1.200.000 m3/năm, trong đó có khoảng 80% là gỗ keo lá tràm và keo Úc lai, đóng góp một phần không nhỏ cho xuất khẩu. Do đó, việc thực hiện quản lý rừng bền vững theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 28) ngày 16-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là nội dung cấp bách.

Thực hiện Điều 27, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15-11-2017 của Quốc hội khóa XIV; Điều 87, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Thông tư 28 về quản lý rừng bền vững và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai và ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, theo đó:

Nội dung phương án quản lý rừng bền vững: Sở NN&PTNT yêu cầu các chủ rừng tổ chức (các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; các đồn biên phòng và các công ty lâm nghiệp) căn cứ Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 9 và Phụ lục II Mẫu phương án quản lý rừng bền vững ban hành kèm theo Thông tư 28 để xây dựng phương án cho phù hợp với điều kiện của đơn vị. Chủ rừng tự xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, nhóm hộ, Sở NN&PTNT khuyến khích các chủ rừng tự nguyện xây dựng hoặc liên kết xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; nội dung hướng dẫn tại Phụ lục III kèm theo Thông tư 28.

Trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12, Thông tư 28. Trong đó, Sở NN&PTNT quy định trình tự thực hiện như sau: Chủ rừng nộp 1 bộ hồ sơ đến Sở NN&PTNT để được kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng hoàn thiện phương án và bổ sung hồ sơ (nếu thiếu). Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở NN&PTNT xem xét, lấy ý kiến các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương về nội dung phương án. Trường hợp nội dung phương án quản lý rừng bền vững đạt yêu cầu, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt phương án; trường hợp nội dung phương án chưa đạt yêu cầu, Sở NN&PTNT có thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ rừng biết để bổ sung, hoàn thiện phương án trong thời hạn 5 ngày làm việc trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt phương án. Hồ sơ phương án quản lý rừng bền vững gồm: Tờ trình của chủ rừng theo quy định tại Phụ lục VI, phương án theo quy định Phụ lục II; các loại bản đồ theo quy định tại Khoản 3, Điều 4, Thông tư 28.

Thời gian và kinh phí xây dựng phương án: Các chủ rừng tổ chức khẩn trương xác định lộ trình xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; hoàn thiện phương án, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý II-2020. Nguồn kinh phí xây dựng và thực hiện phương án do chủ rừng tự huy động từ nguồn vốn hợp pháp hoặc tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp để hỗ trợ xây dựng phướng án quản lý rừng bền vững phù hợp với mục đích sử dụng rừng của từng chủ rừng. Ở những nơi được chi trả dịch vụ môi trường rừng chủ rừng được sử dụng nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 70, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ.

Nhằm hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, từ tháng 2 năm 2018 đến nay, thông qua Dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2 (Dự án FCPF-2) đã hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Đến nay, phương án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đây là chủ rừng tổ chức đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng phương án và đưa phương án quản lý rừng bền vững vào thực hiện. Kết quả này là tiền đề để các chủ rừng là tổ chức học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ Sở NN&PTNT tổ chức khóa tập huấn chuyên đề về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng là tổ chức. Với những hỗ trợ tích cực của dự án đã và đang góp phần để việc triển khai xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững trên toàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả khả quan.


Nguồn tin: Báo thanh hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 26628


Các tin khác:
 Cầy tai trắng - Ninja của rừng già (12/09/2019)
 Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa tổ chức hội nghị giao ban định kỳ tháng 9/2019 (10/09/2019)
 Thực trạng và một số giải pháp quản lý loài ngoại lai xâm hại (27/08/2019)
 Phát triển hiệu quả và bền vững giá trị cây luồng xứ Thanh (25/07/2019)
 Phối hợp Bảo vệ rừng giáp ranh Thanh Hóa – Hòa Bình (18/07/2019)
 Cảnh báo cháy rừng (09/07/2019)
 Tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng mùa nắng nóng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc năm 2019 (08/07/2019)
 Thực hiện các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng (02/07/2019)
 Tăng cường phòng chống cháy rừng (02/07/2019)
 Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch thi đua 6 tháng cuối năm 2019 (25/06/2019)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang