Số lượt truy cập
Hôm nay 119794
Hôm qua 58866
Tuần này 283364
Tháng này 3321190
Tất cả 193116774
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ ba, 04/04/2023
Định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nghề nuôi cá lồng tại Thanh Hóa

Thanh Hoá là tỉnh nằm ở điểm đầu Bắc Trung bộ, có 27 huyện, thị xã, thành phố, có chiều dài bờ biển 102 km và hệ thống sông, hồ phong phú tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, với diện tích vùng biển khoảng 17.000 km2, có 7 cửa lạch lớn nhỏ, trong đó 5 cửa lạch chính: lạch Sung, lạch Trường, lạch Hới, lạch Ghép, lạch Bạng; một số vũng như: vũng Gầm, vũng Thủi, vũng Biện Sơn và 2 hòn đảo: hòn Nẹ và hòn Mê... đã tạo nên diện tích mặt nước tiềm năng nuôi cá lồng bè trên biển khoảng 4.000 ha. Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa và trên biển. Theo số liệu điều tra, khảo sát và thống kê, đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 6.121 lồng nuôi, trong đó nuôi biển 3.982 lồng và nuôi nước ngọt 2.139 lồng, với 121.228 m3, đạt sản lượng 2.097 tấn (nuôi biển 460 tấn, nuôi nước ngọt 1.637 tấn); đối tượng nuôi khá đa dạng và phong phú đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi: cá biển (cá song, cá giò, cá chẽm,...), cá nước ngọt (cá rô phi/diêu hồng, cá trắm cỏ, cá chép, trắm đen, cá lăng, cá chiên, cá ngạnh,...). Nghề nuôi cá lồng đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân vùng nông thôn và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, việc phát triển nuôi cá lồng vẫn mang tính tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiếu quy hoạch và các quy định về nuôi cá lồng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương dẫn đến hiệu quả nuôi cá lồng chưa ổn định, thiếu bền vững. Để quản lý và phát triển nghề nuôi cá lồng theo định hướng, chiến lược phát triển ngành, tạo ra sản phẩm, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đúng các quy định của nhà nước thì việc triển khai thực hiện định hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải phát để xác định địa điểm nuôi, đối tượng nuôi, mùa vụ nuôi, hình thức nuôi phù hợp; thị trường đầu ra của sản phẩm và phân vùng diện tích nuôi tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm mang tính hàng hóadựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm khai thác hiệu quả được tiềm năng, lợi thế của các nguồn lực để phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao bền vững và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1. Mục tiêu:

1.1. Mục tiêu chung:

Khai thác tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước để phát triển nuôi cá lồng thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn.Tăng quy mô sản xuất và chuyển đổi sang lồng nuôi công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm  chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh; giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi và ven biển, góp phần tham gia bảo về quốc phòng, an ninh khu vực nuôi cá lồng của địa phương.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2025

- Diện tích nuôi cá lồng đạt 200 ha với 3.700 lồng; thể tích lồng nuôi 335.000 m3; trong đó: nước ngọt: Diện tích 150 ha với  3.000 lồng; thể tích lồng nuôi 265.000 m3; nước mặn, lợ: Diện tích 50 ha với 700 lồng; thể tích lồng nuôi 70.000 m3.

- Sản lượng nuôi cá lồng đạt 6.650 tấn, trong đó: nuôi nước mặn, lợ 1.400 tấn; nuôi nước ngọt 5.250 tấn; giá trị đạt 500 tỷ đồng/năm.

- Giải quyết việc làm cho trên 5.800 lao động thường xuyên, trên 20.000 lao động thời vụ và dịch vụ phục vụ nuôi cá lồng; 

- 100% cơ sở nuôi cá lồng nắm được kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng và bảo vệ môi trường sinh thái.

- 50% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương.

 b) Định hướng đến năm 2030

- Diện tích nuôi cá lồng đạt 310 ha với 5.340 lồng; thể tích lồng nuôi 523.000 m3. Trong đó: nước ngọt: Diện tích 222 ha với 3.840 lồng; thể tích lồng nuôi 373.000m3; nước mặn, lợ: Diện tích 88 ha với 1.500 lồng; thể tích lồng nuôi 150.000 m3.

- Sản lượng nuôi cá lồng đạt 13.600 tấn, trong đó: nuôi nước mặn, lợ 4.500 tấn; nuôi nước ngọt 9.100tấn; giá trị đạt 1.200 tỷ đồng/năm

- Giải quyết việc làm cho trên 9.200 lao động thường xuyên, trên 30.000 lao động thời vụ và dịch vụ phục vụ nuôi cá lồng; 

100% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương.

2. Nội dung, nhiệm vụ 

2.1. Phát triển nuôi cá lồng

2.1.1. Phát triển nuôi cá lồng nước ngọt

 Đối tượng nuôi: Tập trung vào các đối tượng như cá Chép, cá Trắm cỏ, cá Trắm đen, cá Diêu hồng, cá Rô phi, cá Tầm, cá Hồi, các loài cá da trơn (cá Lăng, cá Nheo,…), phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, đặc sản, loài bản địa, như: cá Bỗng, anh Vũ, cá Ngạnh, cá Chiên…

- Khu vực nuôi: Chỉ phát triển nuôi cá lồng trên các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện có diện tích mặt nước trên 50 ha.

Công nghệ nuôi: Tập trung phát triển nuôi cá theo hướng công nghiệp, sử dụng lồng bè bằng vật liệu mới, thân thiện với môi trường như: sắt, inox, HDPE,.. Từng bước chuyển đổi lồng bè truyền thống (tre, gỗ,…) sang lồng nuôi bằng vật liệu mới. Chuyển đổi từng bước từ sử dụng thức ăn truyền thống sang sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp để tăng năng suất, hiệu quả cao, giảm ô nhiễm môi trường. 

2.1.2. Phát triển nuôi cá lồng nước mặn, lợ

- Đối tượng nuôi: Tập trung các đối tượng có giá trị kinh tế như cá Song, cá Chim vây vàng, cá Hồng, cá Tráp, cá Vược, cá Giò, cá Ngừ, cá Cảnh biển,…

- Về khu vực nuôi: Tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi lồng gần bờ, chuyển đổi các mô hình sản xuất khu vực eo ngách ra khu vực biển hở với quy mô nuôi công nghiệp. Nuôi lồng tập trung quy mô công nghiệp tại vùng vịnh bán kín ở đảo Mê - thị xã Nghi Sơn; tổng diện tích bè nuôi cá chiếm khoảng 5-6% tổng diện tích khu vực quy hoạch (88 ha) (Chi tiết tại phụ lục 08 kèm theo).

- Công nghệ nuôi: Nuôi theo phương thức công nghiệp, tiên tiến ở vùng biển phạm vi 06 hải lý trở vào đến đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; từng bước sử dụng đại trà các mô hình nuôi biển hiện đạisử dụng lồng nổi bằng nhựa cứng HDPE, Composite, lồng nổi bằng kết cấu thép, các loại lồng chìm và bán chìm, có kết cấu và vật liệu đa dạng, thích hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết và sóng, bão. Phát triển nuôi có chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, có thể truy xuất nguồn gốc. Áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến để bảo vệ môi trường: Sử dụng thức ăn công nghiệp. Có khu vực thu gom, xử lý chất thải trên lồng bè. Giảm và tiến tới không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá.

2.2. Phát triển hệ thống sản xuất giống 

- Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống thủy sản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất.

- Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học, các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng Trạm Nghiên cứu giống và Sản xuất giống Thủy sản thuộc Trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi - Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đáp ứng đủ điều kiện để sản xuất giống phục vụ cho nuôi biển.

- Nâng cấp, mở rộng các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt chất lượng cao hiện có để chủ động nguồn giống thủy sản cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt nói chung và nuôi cá lồng nói riêng.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chọn, tạo và nhân giống thủy sản; sản xuất các giống thủy sản mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, ưu tiên các phát triển giống nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống thủy sản.

- Thực hiện tốt việc di ương giống chất lượng cao cung cấp cho các cơ sở nuôi đặc biệt là giống cho nuôi biển.

Từng bước hạn chế và tiến tới không sử dụng nguồn giống tự nhiên để phục vụ nuôi biển (có thể dùng giống tự nhiên để sản xuất giống), chỉ sử dụng nguồn giống sản xuất nhân tạo để phát triển nuôi biển công nghiệp.

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống để nâng cao hiệu quả và hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi.

2.3. Xây dựng cơ sở hạ tầng

Rà soát, đánh giá về thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi cá lồnglàm cơ sở đầu tư sản xuất phù hợp.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại phục vụ phát triển nuôi cá lồng: các hạng mục hạ tầng thiết yếu hỗ trợ vùng nuôi trồng thuỷ sản trên biển, nuôi trên hồ chứa.

- Ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ đa mục tiêu cho hoạt động của các ngành kinh tế để đảm bảo không xung đột, chồng lấn giữa hoạt động nuôi biển với các ngành kinh tế khác.

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng Trạm Nghiên cứu giống và sản xuất giống Thủy sản thuộc Trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi - Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đáp ứng đủ điều kiện để sản xuất giống phục vụ cho nuôi biển.

2.4. Chế biến và thị trường

- Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản dựa trên nhu cầu, tín hiệu của thị trường với quy mô hàng hóa lớn, đóng vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăngvà phát triển bền vững. Duy trì các thị trường hiện tại và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng (Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ,...), chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và tiếp cận, mở rộng các thị trường khác.

- Thu hút đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản tại thành phố Sầm Sơn, huyện Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn chế biến các sản phẩm thủy sản.

- Khuyến khích phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến các sản phẩm từ thủy sản đặc sản của địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

3Một số giải pháp chủ yếu

- Tăng cường sự Lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, sự tham gia của người dân. Quán triệt, cụ thể hoá các nhiệm vụ phát triển bền vững, đảm bảo mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các quy định mới của Luật Thủy sản 2017, xây dựng và kết nối chuỗi sản xuất từ vật tư đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

- Về Cơ chế chính sách tiếp tục hướng dẫn thực hiện một số cơ chế chính sách Chính phủ đã ban hành: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2017 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng theo hình thức công nghiệp (làm lồng nuôi bằng vật liệu mới như HDPE, lồng sắt, inox...).

- Tạo điều kiện cho tổ chức/cá nhân sử dụng đất, mặt nước nuôi cá lồng, khi hết thời hạn có nhu cầu tiếp tục thuê đất nếu chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất. Đối với tổ chức cá nhân sử dụng kém hiệu quả không phù hợp quy hoạch thì xem xét thu hồi theo quy định; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế có năng lực đầu tư sản xuất.

Quản lý và tổ chức sản xuất theo luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành đảm bảo các cơ sở nuôi cá lồng hoạt động đúng quy định của pháp luậtKiểm soát, giám sát, xử phạt các hộ không tuân thủ quy trình nuôi, không xin cấp phép nuôi trồng thủy sản, không đăng ký đối tượng nuôi và bảo vệ môi trường theo quy định.

- Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuấtcác cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chung tay bảo vệ môi trường.  

- Chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ

+ Khoa học công nghệ: Đối với nuôi cá lồng biển: lồng nuôi được đóng bằng vật liệu mới, đảm bảo chịu được sóng, gió, bão và thân thiện môi trường (lồng sắt, inox, HDPE,…).Từng bước sử dụng đại trà các mô hình nuôi biển hiện đại sử dụng lồng nổi bằng nhựa cứng HDPE, lồng nổi bằng kết cấu thép, các loại lồng chìm và bán chìm, có kết cấu và vật liệu đa dạng, thích hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết và sóng, bão với kích cỡ lồng 6x6x3m. Đối với nuôi cá lồng nước ngọt: Đối với các khu vực đang nuôi lồng truyền thống bằng vật liệu gỗ, tre, nứa thì từng bước chuyển đổi sang lồng nuôi bằng vật liệu mới, đến năm 2025 chuyển đổi khoảng 30 - 50% sang lồng vật liệu mới và đến năm 2030 chuyển đổi 100% lồng nuôi sang lồng vật liệu mới đảm bảo chịu được sóng, gió, bão và thân thiện môi trường (lồng sắt, inox, HDPE,…) với các kích cỡ lồng 4x4x3, 5x4x3m, 6x6x3m...Ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi công nghệ cao và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như cá Leo, cá Lăng, cá Chình, cá Chiên, cá Ngạnh, cá Hồng Mỹ, cá Giò, cá Song, cá Vược …

+ Công tác khuyến ngư và đào tạo: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng; kỹ thuật thiết kế lồng bè cho các hộ nuôi, đồng thời tuyên truyền các quy định của nhà nước trong nuôi trồng thủy sản và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường. Đa dạng các hình thức đào tạo phù hợp với trình độ, tập quán của người dân, để người dân tiếp cận tốt với tiến bộ kỹ thuật, phát triển nuôi cá lồng ổn định, bền vững. Tổ chức biên soạn in ấn tờ rơi, tờ dán, sổ tay tuyên truyền các quy trình kỹ thuật, các quy định của nhà nước phát cho các hộ dân trong tỉnh học tập. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý cho cán bộ phụ trách thủy sản cơ sở. Tổ chức cho cán bộ cơ sở và người nuôi tham quan học tập các quy trình, công trình nuôi ở các tỉnh có các mô hình nuôi cá lồng hiệu quả kinh tế cao để để học tập những kinh nghiệm về áp dụng tại địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghề nuôi cá lồng trong tỉnh. Xây dựng mô hình nuôi cá lồng các đối tượng có giá trị kinh tế và lồng công nghệ cao từ đó tổ chức hội thảo đầu bờ đúc rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng mô hình.

Quản lý môi trường, dịch bệnh:Người nuôi có sự đồng thuận trong tổ chức sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học để quản lý môi trường nuôi, thực hiện các công nghệ nuôi sạch, an toàn về môi trường và dịch bệnh góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm sạch có giá trị cao, góp phần giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh xảy ra trên động vật thủy sản nuôi. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo quan trắc môi trường nuôi cá lồng của các cơ quan quản lý; đo đạc, theo dõi các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại và dịch bệnh xảy ra. 

- Chế biến, thị trường và tiêu thụ sản phẩm

Cần hình thành hệ thống nuôi cá lồng gắn kết với các tổ hợp tác, qua đó tiêu thụ sản phẩm theo hình thức hợp đồng để bán trực tiếp cho nhà hàng, khách sạn, thị trường ngoài tỉnh. Tập trung mạnh về thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu (đối với cá biển); Tăng cường liên kết giữa trong thu mua, chế biến, sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản, Xây dựng thương hiệu, xây dựng vùng nuôi sạch và quảng bá đến các thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Nguồn tin: Hoàng Hồng Chung – Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 8121


Các tin khác:
 Tiềm năng, cơ hội phát triển nghề nuôi rươi - lúa. (04/04/2023)
 Nuôi tôm công nghệ cao theo hướng VietGap (04/04/2023)
 Một số biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo cây keo  (04/04/2023)
 Mô hình Sản xuất ngô lai F1 trên vùng đất không chủ động nước gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm (04/04/2023)
 Cây ngô ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Thọ Xuân (30/03/2023)
 Kết quả thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm  (30/03/2023)
 Mô hình “Chăn nuôi ngan gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” trên địa bàn Thanh Hóa đạt hiệu quả kinh tế cao (30/03/2023)
 Nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ tại xã Tam Chung huyện Mường Lát (30/03/2023)
 Thanh Hóa: Nhìn lại kết quả thực hiện các mô hình trồng trọt năm 2022 (30/03/2023)
  Bệnh đạo ôn lúa, nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng trừ  (02/02/2023)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang