Số lượt truy cập
Hôm nay 17448
Hôm qua 58866
Tuần này 181018
Tháng này 3218844
Tất cả 193014428
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 20/04/2020
Vi phạm trên các công trình thủy lợi - cần làm rõ trách nhiệm

Thời gian gần đây, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang bị lấn chiếm, gây ách tắc và ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới khả năng tưới tiêu cho sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân, trong khi đó các lực lượng chức năng cũng như chính quyền các địa phương chưa có sự phối hợp, vào cuộc mạnh mẽ.

Những công trình thủy lợi kêu cứu

Toàn tỉnh có trên 2.500 công trình thủy lợi bảo đảm cấp nước tưới cho khoảng 331.000 ha/năm đất gieo trồng. Song thời gian qua do nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi của không ít cấp ủy, chính quyền, tổ chức và nhân dân còn nhiều hạn chế nên tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi diễn ra phổ biến ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Các vi phạm pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chủ yếu là trồng cây, canh tác trên bờ kênh; xây dựng cầu qua kênh trái phép; xả rác thải bừa bãi xuống lòng kênh... ảnh hưởng lớn đến tưới tiêu nước phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân.


Vi phạm trên các công trình thủy lợi - cần làm rõ trách nhiệm

Hành lang sông Nhơm đoạn qua địa bàn xã Thái Hòa (Triệu Sơn) đang bị chiếm dụng.


Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã “mục sở thị” tại một số hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, thấy tình trạng vi phạm hành lang công trình thủy lợi, xả rác thải xuống lòng kênh diễn ra hết sức phức tạp. Ví như, đoạn kênh trạm bơm Hoằng Vinh (thuộc thị trấn Bút Sơn) từ trước tới nay có đến vài chục cây cầu được người dân xây dựng trái phép bắc ngang qua kênh, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Bình quân mỗi cây cầu được các hộ dân xây dựng trái phép với chiều dài thành cầu 5m, rộng 0,25m và cao 2m, chính vì vậy khiến việc nạo vét lòng kênh hết sức khó khăn, thậm chí nhiều nơi không thể nạo vét được làm ảnh hưởng lớn đến khả năng tưới tiêu cho sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân.

Tìm hiểu tại Công ty TNHH MTV Sông Chu, được biết, đơn vị quản lý hơn 1.000 km kênh cấp I và cấp II trên địa bàn 15 huyện và TP Thanh Hóa, hàng năm phục vụ tưới, tiêu cho trên 134.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay, do sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân nên nhiều đoạn kênh mương do công ty quản lý đang “oằn lưng” gánh rác, không những gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc dẫn nước phục vụ sản xuất mà còn gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của công ty, tính trung bình mỗi tháng người dân xả trái phép 800 m3 rác thải xuống hệ thống kênh mương, trong đó tuyến kênh B9 đoạn trên địa bàn xã Thiệu Vân, TP Thanh Hóa đã và đang là “điểm nóng”, bởi lượng rác thải lớn do người dân các xã như Thiệu Vận, Minh Tâm, thị trấn Thiệu Hóa... (phía thượng nguồn kênh B9) đổ xuống lòng kênh. Kênh Nam sông Mực cung cấp nước tưới cho các xã vùng 3, vùng 4 huyện Nông Cống. Hiện nay, đã có tới 48 hộ dân tự ý làm nhà, xây rào, trồng cây ngay sát khóa mái bờ tả kênh, khiến nhiều tấm lát bê tông bị bong tróc, gãy đổ, ảnh hưởng lớn đến khả năng dẫn tải nước cũng như duy tu, bảo dưỡng công trình.

Vi phạm nhiều, xử lý ít?

Thời gian gần đây, tình trạng xâm phạm, lấn chiếm hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp. Việc lấn chiếm, xâm phạm các công trình thủy lợi đã làm thu hẹp mặt cắt, cản trở dòng chảy, gây khó khăn lớn cho công tác quản lý của các công ty, các tổ chức hợp tác mỗi khi nạo vét, tu bổ kênh mương. Nhiều lòng kênh hiện nay đang biến thành nơi đổ rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình với đủ loại gây ô nhiễm môi trường và làm tắc dòng chảy. Theo Nghị định 139/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về chính quyền địa phương nơi xảy ra vi phạm hoặc thanh tra chuyên ngành. Mặc dù thời gian qua những trường hợp vi phạm đều được các công ty thủy lợi, các tổ chức hợp tác lập biên bản, đề nghị chính quyền các cấp xử lý, song hiệu quả không cao, thậm chí có những trường hợp lập biên bản nhiều lần vẫn tái diễn dẫn đến nảy sinh nhiều phức tạp ở một số khu vực nông thôn. Nguyên nhân của tình trạng này là do chính quyền một số địa phương chưa tích cực vào cuộc, thiếu kiên quyết và phần lớn chỉ nhắc nhở nên không đủ sức răn đe. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền cơ sở với các công ty chưa chặt chẽ, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý chưa kịp thời và triệt để. Trong khi đó một số xã bố trí công chức kiêm nhiệm về thủy lợi nhưng hoạt động chưa hết trách nhiệm, thiếu hiệu quả và còn mang tính hình thức. Mặt khác, ý thức của một bộ phận người dân không cao, chưa nhận thức đúng quy định pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Sông Chu cho biết: Từ năm 2012 đến nay, vi phạm trên hệ thống thủy lợi do đơn vị quản lý là gần 800 vụ, đều được lập biên bản đề nghị chính quyền các cấp xử lý, giải tỏa, song kết quả đạt được rất thấp. Theo quy định, phía công ty thủy lợi có nhiệm vụ phát hiện vi phạm, phối hợp với chính quyền cơ sở lập biên bản đình chỉ thi công. Còn quyền cưỡng chế, giải tỏa vi phạm thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Song từ nhiều năm nay, có một nghịch lý là một bên cứ lập biên bản, còn bên xử lý vi phạm thì thờ ơ, khiến vi phạm không được giải quyết dứt điểm, trong số gần 800 vụ vi phạm thì mới xử lý được trên 300 vụ.

Quy rõ trách nhiệm và cần có biện pháp mạnh hơn

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. Trước mắt tập trung xử lý, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm lòng sông, lòng kênh, bờ sông, bờ kênh, tiếp đến giải quyết xử lý các vi phạm hành lang công trình thủy lợi. Đồng thời, tăng cường năng lực, hiệu quả trong quản lý, khai thác bảo vệ công trình thủy lợi, coi công tác quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi là việc làm thường xuyên, lâu dài trong đó cần chú trọng ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm và gắn với công tác bảo vệ môi trường nguồn nước; xác định và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để làm căn cứ quản lý, khai thác và bảo vệ. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được các văn bản, chính sách về bảo vệ công trình thuỷ lợi, ngăn chặn vi phạm gia tăng; UBND các xã phải xây dựng phương án bảo vệ kênh mương, hồ đập, trạm bơm. Đi đôi với biện pháp trên, các huyện, thành phố cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là tình trạng xây dựng trái phép trên kênh. Địa phương các cấp cần rà soát, lập danh sách các hộ vi phạm; phân loại các trường hợp vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vi phạm theo quy định, từ đó lập kế hoạch xử lý giải tỏa các vi phạm công trình thủy lợi theo đúng trình tự quy định của pháp luật... Ngoài ra, các công ty thủy lợi và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa trong việc quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi cũng như phát hiện và xử lý các vụ vi phạm, nâng cao năng lực tưới, tiêu để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Với sự vào cuộc đồng bộ, kiên quyết của các ngành, các cấp, các lực lượng, đặc biệt là nhận thức của nhân dân thì việc giải quyết tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi mới có hy vọng đạt kết quả, hạn chế được tình trạng vi phạm, từ đó góp phần nâng cao năng lực tưới, tiêu để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 24570


Các tin khác:
 Triển khai các giải pháp phòng, chống hạn cho khoảng 25.000 ha lúa đông xuân (23/03/2020)
 Chủ động đối phó với nguy cơ khô hạn cây trồng ở khu vực miền núi và trung du (11/03/2020)
 Đồng chí Đặng Tiến Dũng Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra sản xuất và chỉ đạo các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại huyện Tĩnh Gia (27/02/2020)
 Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra sản xuất và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại các huyện Hà Trung và Nga Sơn (05/02/2020)
 Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 (04/12/2019)
 Tin Bão khẩn cấp cơn bão số 5 (tên quốc tế Matmo) (30/10/2019)
 Cảnh báo tiếp diễn mưa to đến rất to từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa (17/10/2019)
 Rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất kế hoạch đầu tư về phương án quy hoạch thủy lợi tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (06/09/2019)
 Báo cáo rà soát, đánh giá, cập nhật bổ sung và đề xuất sửa chữa, nâng cấp công trình nước sinh hoạt nông thôn tập trung (04/09/2019)
 Bão số 4 giật cấp 12, dự kiến đổ bộ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (28/08/2019)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang