Số lượt truy cập
Hôm nay 18702
Hôm qua 58866
Tuần này 182272
Tháng này 3220098
Tất cả 193015682
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 29/01/2021
Phát triển cây ăn quả tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm

Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành được các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm cây ăn quả của tỉnh được thị trường đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã song việc xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm này vẫn chưa thực sự hiệu quả, cần sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền và người sản xuất.

Tính đến hết năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh là 22.568 ha, sản lượng đạt 248.887 tấn. Các giống cây ăn quả chủ lực, gồm: bưởi, cam, ổi, thanh long, dứa,... chiếm hơn 80% tổng sản lượng cây ăn quả của tỉnh. Hiện nay, đã có một số sản phẩm cây ăn quả được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, như: cam xã Đoài, cam đường canh (Như Xuân); bưởi (Thọ Xuân), cam Vân Du (Thạch Thành), quýt (Bá Thước)... Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường được kiểm tra, quản lý chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế. 

Sản phẩm bưởi Diễn tại xã Bắc Lương (Thọ Xuân) được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Xã Bắc Lương (Thọ Xuân) được xem là “thủ phủ” của cây bưởi. Trước đây, cây bưởi chỉ đơn thuần là loại cây ăn quả trồng phân tán, nhỏ lẻ, xen canh trong các khu dân cư, không có quy hoạch vùng và chủ yếu tiêu thụ tự phát hoặc qua thương lái nên giá cả không ổn định. Sau khi được sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của tỉnh, huyện, người trồng bưởi trên địa bàn xã đã chú trọng xây dựng vùng chuyên canh sản xuất bưởi quy mô lớn. Hiện tại, toàn xã đã có 40 ha bưởi; trong đó, có 14 ha trồng tại vùng chuyên canh tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Lê Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bắc Lương, cho biết: Cây bưởi từ lâu đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, mang lại doanh thu khoảng 450 triệu đồng/ha/năm trở lên. Song, đại bộ phận người tiêu dùng chưa thể phân biệt được sản phẩm bưởi của địa phương với những sản phẩm tương tự khác nên dẫn đến việc khó cạnh tranh, giá trị kinh tế không ổn định. Chính vì vậy, UBND xã đang cùng với các phòng, ban chuyên môn của huyện Thọ Xuân thực hiện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm bưởi Bắc Lương. Đồng thời, năm 2019, UBND xã đã thành lập HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp cây có múi xã Bắc Lương để quản lý 32 hộ xã viên, bảo đảm sản xuất hiệu quả hơn, giá thành tốt hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Được biết, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, quả bưởi xã Bắc Lương đã có logo, được dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, dễ dàng phân biệt với quả bưởi thông thường nên hạn chế được việc trà trộn, gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của người trồng bưởi. Giá trị sản phẩm bưởi được nâng lên 25 - 30%, trung bình mỗi ha bưởi Bắc Lương hiện nay mang lại lợi nhuận 200 - 350 triệu đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thọ Xuân, ngoài bưởi Luận Văn được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý và chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh thì những sản phẩm cây ăn quả khác vẫn đang trong quá trình xây dựng thương hiệu. Ông Lê Thọ Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Để nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất cây ăn quả, UBND huyện đã có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân đầu tư hạ tầng tại những vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Dự kiến trong năm 2021, sản phẩm bưởi Diễn Bắc Lương và cam Xuân Thành sẽ hoàn thành bảo hộ nhãn hiệu tập thể và tham gia vào chương trình OCOP cấp tỉnh để nâng cao giá trị kinh tế và khẳng định thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Tại huyện Như Xuân, cây ăn quả cũng là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và được khuyến khích mở rộng diện tích. Vì vậy, huyện đã hỗ trợ các sản phẩm cây ăn quả chú trọng các khâu sản xuất đạt các tiêu chuẩn quy định và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm. Năm 2019, sản phẩm cam đường canh Như Xuân và cam Xã Đoài Như Xuân được công nhận chỉ dẫn địa lý và là 2 trong số 17 sản phẩm đầu tiên được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ông Chử Thanh Hải, giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công, cho biết: Ngay từ khi bắt tay sản xuất, HTX đã xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả diện tích khoảng 40 ha. Đồng thời, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất hiện đại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc được công nhận các tiêu chuẩn chất lượng và chỉ dẫn địa lý chính là sự khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm trên thị trường; nhờ đó, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn 25% so với khi chưa xây dựng được thương hiệu.

Một thực tế cho thấy, ngoài điểm yếu diện tích manh mún, sản xuất nhỏ lẻ thì cây ăn quả trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, như: chất lượng quả không đồng đều, chưa nhiều sản phẩm cây ăn quả xây dựng được thương hiệu, tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu, chất lượng để bày bán trong hệ thống các siêu thị còn ít... Do đó, giá trị kinh tế từ cây ăn quả chưa được như kỳ vọng.

Để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ các loại cây ăn quả chủ lực, đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Tỉnh ta đã và đang khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Đồng thời, khuyến khích các địa phương cần hướng tới thành lập mới các HTX, tổ hợp tác, trang trại, gắn vùng sản xuất nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và quan trọng hơn là tạo dựng địa vị pháp lý trong tham gia trao đổi, mua bán, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và uy tín trong hoạt động thương mại. Song song với đó, các cấp chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua hoạt động xúc tiến thương mại. Cùng với phát triển diện tích mới, các địa phương cũng cần bảo tồn, duy trì diện tích cây ăn quả đặc sản, có nguồn gốc bản địa, như: cam Vân Du, xoài Mường Lát, na Lang Chánh, bưởi Thọ Xuân, quýt Bá Thước...


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 14033


Các tin khác:
 Hiệu quả từ các mô hình trồng rau thủy canh (22/01/2021)
 Lasuco nỗ lực nâng cao chất lượng vùng mía nguyên liệu (21/01/2021)
 Nông nghiệp là nền tảng và trụ đỡ cho nền kinh tế (20/01/2021)
 Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở những xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (20/01/2021)
 Phát triển các cây trồng chủ lực (18/01/2021)
 Thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp (12/01/2021)
 Vụ đông trên những cánh đồng xứ Thanh (06/12/2020)
 Phát triển sản xuất để “nâng chất” nông thôn mới (01/12/2020)
 Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất lúa, gạo (01/12/2020)
 Nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất vụ đông (01/12/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang