Số lượt truy cập
Hôm nay 25883
Hôm qua 39190
Tuần này 130587
Tháng này 3168413
Tất cả 192963997
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 05/06/2020
Bài 3: Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán “Được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa cho các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, nhiều năm nay, tỉnh ta luôn quan tâm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực này.

Với tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm đạt hơn 1,6 triệu tấn, 540 nghìn tấn rau quả, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt hơn 240 nghìn tấn, sản lượng trứng đạt 160 triệu quả, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản 180 nghìn tấn, sản lượng khai thác gỗ bình quân 720 nghìn m3... Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phục vụ, phát triển ngành chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao giá trị nông sản. Do đó, những năm qua, tỉnh đã quan tâm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê, tại xã Đông Hoàng (Đông Sơn)

Mặc dù được tỉnh quan tâm đầu tư, tạo điều kiện, song lĩnh vực chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực có tỷ lệ chế biến còn đạt thấp. Điển hình như đối với sản phẩm lúa gạo - là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn, với diện tích sản xuất hàng năm từ 236-238 nghìn ha, sản lượng đạt từ 1,38 đến 1,39 triệu tấn/năm, sản lượng gạo đạt hơn 900 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới có 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 3 nhà máy chế biến lúa gạo có quy mô lớn: Công ty CP Thương mại Sao Khuê; Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông và Công ty CP Mía đường Lam Sơn, với tổng công suất đạt 235 nghìn tấn gạo/năm được chế biến thông qua quy trình khép kín, chỉ chiếm 26,1% sản lượng gạo trên địa bàn tỉnh.

Hay như rau, quả, là sản phẩm được sử dụng nhiều để chế biến nhiều mặt hàng từ thực phẩm dinh dưỡng, nước đóng chai, đến hoa quả đóng hộp, sấy khô. Trên địa bàn tỉnh, nguồn nguyên liệu này lại khá dồi dào và phong phú, khi mà toàn tỉnh hiện có tới 45 nghìn ha trồng rau, quả các loại, với sản lượng đạt 540 nghìn tấn/năm; trong đó, diện tích đất chuyên sản xuất, rau, quả hàng năm có tới 8 nghìn ha, sản xuất 3 vụ/năm... Tiềm năng để phát triển vùng nguyên liệu này của tỉnh còn lớn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện mới có 17 nhà máy chế biến rau, quả, với tổng công suất gần 110 nghìn tấn/năm, chiếm 20,3% sản lượng rau, quả hàng năm của tỉnh. Hơn nữa, các nhà máy chế biến rau, quả nói trên đều có quy mô, công suất chế biến nhỏ, nên chưa tạo ra được sản phẩm chế biến có thương hiệu. Còn tới gần 80% lượng rau, quả được sơ chế, đóng gói bảo quản cung ứng ra thị trường; những sản phẩm rau, quả phục vụ chế biến thì đa phần được các doanh nghiệp tỉnh ngoài tiêu thụ, vận chuyển đến nhà máy chế biến, khiến giá trị trong sản xuất nông nghiệp bị giảm đáng kể. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện chỉ có 235 doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản; 29 doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; 80 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản và hơn 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Hơn nữa, phần đa các doanh nghiệp này mới chỉ đạt ở quy mô vừa và nhỏ, thực hiện chế biến thô, chưa tạo ra được sản phẩm có thương hiệu riêng, nên chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Việc số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản ít, quy mô nhỏ, lẻ, tỷ lệ nông sản được chế biến đạt thấp đã và đang làm giảm đáng kể giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, để nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã và đang “trải thảm” để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Theo đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án chế biến nông, lâm sản có quy mô vốn đầu tư 20 tỷ đồng trở lên và sử dụng tối thiểu 30% số lao động địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện tích tụ, tập trung đất đai và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; rà soát bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo vùng nguyên liệu, có chính sách riêng cho doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản và doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho nông dân.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho 6 dự án của các doanh nghiệp, như: Công ty DOKATA và Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hóa thực hiện dự án chế biến gỗ tại huyện Thường Xuân; dự án nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê; dự án xây dựng khu chế biến nông sản của Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ TH, tại huyện Đông Sơn; dự án chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, tại huyện Thiệu Hóa.

Là đơn vị được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp, với nguồn kinh phí được hỗ trợ là 500 triệu đồng, Công ty CP Thương mại Sao Khuê, tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn đã có động lực để thực hiện xây dựng và khánh thành, đưa vào sử dụng nhà máy chế biến lúa gạo, với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, công suất 30.000 tấn gạo thành phẩm/năm. Đây hiện đang là nhà máy chế biến lúa gạo có công suất lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, ông Đỗ Thế Anh, Giám đốc Công ty CP Thương mại Sao Khuê, cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, công ty đã được UBND tỉnh và chính quyền địa phương quan tâm giải quyết vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như quá trình xây dựng nhà máy. Nhờ đó, tháng 11-2019, nhà máy chế biến lúa gạo của công ty đã được khánh thành, đưa vào hoạt động đáp ứng nhu cầu thu mua, sấy khô và xay xát, chế biến lúa gạo của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, để thu hút các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến, thời gian qua, tỉnh cũng đã ban hành và thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt nhằm xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó, tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã phân bổ 98,3 tỷ đồng để các địa phương thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt đối với hơn 17,1 nghìn ha cây trồng. Trong đó, nhóm cây phục vụ chế biến, như: Khoai tây, ngô ngọt, ngô bao tử, dưa bao tử, ớt... có diện tích được hỗ trợ lên tới hơn 10 nghìn ha.

Với nỗ lực cùng việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư phát triển chế biến nông sản, đến thời điểm này, không khó để tìm được những dự án, cơ sở chế biến nông, lâm sản đã và đang được các doanh nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh, như: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hạ Tầng Xanh liên kết với Công ty TNHH MTV Tư vấn và Đào tạo quốc tế ITC thực hiện chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm trứng gà tươi; Công ty CP VIFOSA, liên kết với nhiều hộ chăn nuôi tại xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến và cung ứng khép kín sản phẩm thịt lợn, xúc xích lợn, giò nạc... Đáng chú ý, sau hơn 1 năm thi công, tháng 10-2019, Nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS do Tập đoàn Master Good (Hungary) và Công ty CP Nông sản Phú Gia liên doanh, hợp tác đầu tư xây dựng đã được khánh thành trên diện tích 11.000m2, tại xã Hoằng Qùy, huyện Hoằng Hóa, với công suất giết mổ giai đoạn 1 đạt 4.500 con gà/giờ và giai đoạn 2 sẽ được nâng lên 8.000 đến 9.000 con gà/giờ, đã mở ra cho ngành chăn nuôi trong tỉnh một hướng phát triển mới, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm.

Những nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm quy mô lớn được khánh thành, cùng các dự án đang được triển khai thực hiện sẽ giúp cho nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 14141


Các tin khác:
 Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (04/06/2020)
 Bài 2: Tích tụ, tập trung đất đai tạo thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn (04/06/2020)
 Sức sống mới trên quê hương Hòa Lộc (04/06/2020)
 Bài 1: Tạo sức hút để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (02/06/2020)
 Huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa xây dựng nông thôn mới không nợ đọng (01/06/2020)
 Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản 2020 (01/06/2020)
 Hơn 43% số cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại Thanh Hóa được cấp giấy phép đủ điều kiện (28/05/2020)
 Thanh Hoá đã chuyển đổi được trên 22 nghìn ha đất lúa (28/05/2020)
 Tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2019 (28/05/2020)
 Khẩn trương hoàn thành chính sách bảo hiểm nông nghiệp (26/05/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang