Số lượt truy cập
Hôm nay 31627
Hôm qua 39190
Tuần này 136331
Tháng này 3174157
Tất cả 192969741
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 04/06/2020
Bài 2: Tích tụ, tập trung đất đai tạo thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn

Tích tụ, tập trung đất đai là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Qua đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả tỉnh phát triển.

Tích tụ, tập trung đất đai để khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả tỉnh phát triển. Tích tụ, tập trung đất đai là nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tích tụ, tập trung đất đai có tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ nông dân, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội và ổn định tình hình ở khu vực nông thôn. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phải bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc; phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong Nhân dân. Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, của từng huyện, từng xã và định hướng phát triển nông nghiệp của các địa phương. Tích tụ, tập trung đất đai phải được rà soát, tính toán kỹ lưỡng để có cách làm, bước đi hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đây là mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 (gọi tắt là NQ13) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nông dân xã Xuân Trường (Thọ Xuân) chăm sóc cây ăn quả

Hàng năm, huyện Thọ Xuân chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ dân trên địa bàn; phối hợp với hội nông dân huyện tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng 2 mô hình tích tụ, tập trung đất đai theo NQ13 trong lĩnh vực trồng trọt với diện tích 20 ha, tại các xã: Xuân Minh, Bắc Lương. Tính đến nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung được 1.478,02 ha, trong đó, trồng trọt 1.021,58 ha, chăn nuôi 87,69 ha, thủy sản 261,35 ha... Đồng chí Lê Thọ Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, cho biết: Huyện tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc có hiệu quả NQ13; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong Nhân dân về việc triển khai tổ chức thực hiện. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; huy động các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia tổ chức thực hiện, UBND các xã khảo sát, thống kê đối với diện tích của các hộ dân đi làm ăn xa, hộ không có nhu cầu, hộ không thiết tha với sản xuất nông nghiệp, từ đó xây dựng phương án, tính toán tỷ lệ chuyển đổi vị trí để tập trung diện tích lớn và giao cho các HTX dịch vụ nông nghiệp sản xuất hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê lại để sản xuất. Đi đôi với đó, huyện Thọ Xuân tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp; nhất là tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua hợp đồng theo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp. Quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, ổn định, bảo đảm đủ sản lượng rau cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Thường xuyên lồng ghép các chương trình đào tạo, tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn, sản xuất rau theo VietGAP cho nông dân.

Ngoài ra, qua tìm hiểu tại một số địa phương, chúng tôi được biết: HTX dịch vụ nông nghiệp xã Định Tường (Yên Định) thuê đất 5% và đất của các hộ dân trên địa bàn, với diện tích 30 ha để sản xuất lúa lai F1, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã giúp giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Một số hộ dân xã Định Liên (Yên Định) thuê 20 ha đất của các hộ dân trong xã để sản xuất giống lúa thuần với Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam - Chi nhánh Định Tường, lợi nhuận tăng hơn 2 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường... Công ty Xuân Sơn (Thạch Thành) tích tụ đất để trồng rừng sản xuất, phát triển rừng thâm canh gỗ lớn phục vụ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm theo hướng công nghệ cao. Doanh nghiệp đã liên kết với 1.458 hộ dân trên địa bàn huyện tích tụ 1.715 ha và xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho diện tích rừng gỗ trồng là rừng sản xuất và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC để hội nhập sâu vào thị trường gỗ thế giới. Năng suất rừng trồng bình quân đạt 10 đến 14m3/ha/năm, trữ lượng rừng bình quân đạt 90 đến 120m3/ha/năm; nhất là một số cây trồng, như: Keo lai, keo tai tượng Úc, trữ lượng bình quân đạt 125 đến 150m3/ha, thu nhập bình quân 150 đến 200 triệu đồng/năm, chu kỳ kinh doanh 10 năm và nhiều gia đình giàu lên từ nghề rừng... Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh đã tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt hơn 15.870 ha, trong đó, trồng trọt 5.191 ha, chăn nuôi hơn 6.470 ha, thủy sản hơn 2.188 ha, lâm nghiệp hơn 2.020 ha. Nhờ tích tụ, tập trung đất đai, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hữu cơ giữa cây trồng với vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần, lúa thương phẩm tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống.

Thực tế tại nhiều địa phương cũng cho thấy, việc liên kết sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, diện tích sản xuất tập trung quy mô lớn chưa nhiều vì vậy sản lượng để cung cấp cho các doanh nghiệp thu mua không bảo đảm dẫn đến diện tích sản xuất một số cây trồng có giá trị kinh tế cao bị giảm. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gặp khó khăn vì thiếu quỹ đất tập trung, giá thuê đất nông nghiệp cao. Ngoài ra, để kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng và chế biến nông sản, ngành nông nghiệp, các địa phương mất khá nhiều thời gian trong việc kiểm tra, xác định lại nguồn gốc đất, tình trạng sử dụng đất ở từng khu vực... Trong khi đó, theo quy định, chỉ khi có dự án đầu tư hoàn thành, đưa vào hoạt động mới được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, nếu các thủ tục giao đất kéo dài, tiến độ thực hiện dự án sẽ chậm, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn vì nguồn kinh phí hỗ trợ chậm. Kinh phí cho việc đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, cơ sở hạ tầng để ứng dụng đồng bộ khoa học - kỹ thuật là khá lớn. Việc tiếp cận vốn vay khó khăn, vì phần lớn các ngân hàng thương mại đều e ngại đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn - lĩnh vực mà thực tế lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu.

Đồng chí Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Để thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ...; cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai theo Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16-10-2019 của HĐND tỉnh.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 13746


Các tin khác:
 Sức sống mới trên quê hương Hòa Lộc (04/06/2020)
 Bài 1: Tạo sức hút để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (02/06/2020)
 Huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa xây dựng nông thôn mới không nợ đọng (01/06/2020)
 Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản 2020 (01/06/2020)
 Hơn 43% số cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại Thanh Hóa được cấp giấy phép đủ điều kiện (28/05/2020)
 Thanh Hoá đã chuyển đổi được trên 22 nghìn ha đất lúa (28/05/2020)
 Tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2019 (28/05/2020)
 Khẩn trương hoàn thành chính sách bảo hiểm nông nghiệp (26/05/2020)
 Nông nghiệp – đòn bẩy tăng trưởng (26/05/2020)
 Kinh nghiệm trong sản xuất vụ lúa chiêm xuân 2020 (26/05/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang